Sức sống Bạch Long Vĩ

Là hòn đảo xa bờ thuộc một trong tám ngư trường lớn tại vịnh Bắc Bộ, ngày 26-2-1993, Bạch Long Vĩ đón Ðội thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên gồm 60 đội viên, do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành ủy Hải Phòng chọn phối hợp triển khai với nhiệm vụ xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Hơn 24 năm trôi qua, dấu ấn lập nghiệp trên hòn đảo tiền tiêu của lớp TNXP ngày ấy vẫn tiếp tục được thế hệ trẻ Bạch Long Vĩ nối bước, phát huy mạnh mẽ.

Tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú tại cảng Bạch Long Vĩ.
Tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú tại cảng Bạch Long Vĩ.

Những bước chân tình nguyện

Trên boong tàu Bạch Long của Tổng đội TNXP Hải Phòng, chúng tôi thấy đảo Bạch Long Vĩ xanh mát mắt hiện ra, nổi bật trong mầu hoàng hôn óng ả của Biển Ðông. Cảm giác uể oải do những con sóng cấp bốn, cấp năm của hành trình kéo dài hơn tám tiếng đồng hồ trên biển lập tức tan biến khi tôi đặt chân lên âu tàu rộng lớn, lồng lộng gió. Cảnh bận rộn của những ngư dân trên hàng chục chiếc tàu đậu san sát, đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đánh cá đêm, từng dãy nhà kiên cố thấp thoáng sau rặng phi lao xanh rì, ngọn hải đăng với lá cờ Tổ quốc sừng sững trên đỉnh đồi chính giữa đảo... tất cả cho tôi ấn tượng về một Bạch Long Vĩ đang hừng hực sức trẻ ở tuổi 24.

Anh Nguyễn Văn Hậu (nay là Liên đội trưởng TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ) là một trong số 60 chàng trai, cô gái TNXP đầu tiên tình nguyện đi xây dựng "Ðảo thanh niên". Bạch Long Vĩ của ngày ấy vẫn rất hoang sơ. Việc đầu tiên của các chiến sĩ TNXP là xây dựng năm căn nhà, tạo điều kiện sinh hoạt cho người dân. Nắng gắt tới mức không ai đứng vững được ngoài trời sau 9 giờ sáng và chỉ đến sau 15 giờ mới có thể tiếp tục công việc. Ðể bảo đảm tiến độ thi công, các TNXP thống nhất lao động từ 5 giờ sáng. Do địa hình hầu hết là sỏi đá, cho nên cả đảo gần như không có bóng cây. 60 TNXP lại bắt tay vào cải tạo đất, trồng cây. "Phi lao là giống cây rắn rỏi, vậy mà khi đó vẫn phải trồng lẫn vào cỏ mới chịu được nắng gió tại đây, rau xanh thì buộc phải làm bờ rào bằng đất đá thật cao", anh Hậu nhớ lại.

Không phải tự nhiên mà ông cha ta gọi Bạch Long Vĩ là đảo "Vô Thủy" (không có nước). Trong một năm, mùa mưa tại đảo chỉ kéo dài từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, còn lại hoàn toàn là mùa khô. Mưa không nhiều, lượng nước ngầm trên đảo cũng rất ít, đào sâu tới hơn 5 m vẫn không thấy nguồn nước. "Ngày đó, trên đảo chưa có điện thoại. Muốn liên lạc với gia đình, chúng tôi phải nhờ các chiến sĩ bộ đội đánh điện vào đất liền. Một năm, mỗi người chỉ được nghỉ phép một đến hai lần. Mỗi lần nghỉ phép kéo dài vài ngày, mà đã có tới hơn bốn ngày đi và về trên biển. Có những người chỉ kịp lên bến gặp mặt gia đình, cầm vội vài món quà từ người thân rồi lên tàu quay lại đảo luôn vì biển động, tàu lại mất năm đến sáu ngày lênh đênh trên biển", Liên đội trưởng TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ kể.

Giữa trùng khơi sóng gió, 60 TNXP vẫn nêu cao ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mặc cho nắng nóng, gió bão, vượt lên trên điều kiện khắc nghiệt của biển cả, được sự đầu tư, quan tâm đặc biệt của Nhà nước và TP Hải Phòng, các chàng trai, cô gái ấy đã đưa cuộc sống ở Bạch Long Vĩ từng bước sang trang mới. Năm 1998, công trình điện sức gió đầu tiên được đưa ra đảo. Chỉ vài năm sau, đảo "Vô Thủy" đã có điện thắp sáng cho trẻ em tới lớp. Từ đây, một thế hệ công dân mới sẵn sàng tiếp bước cha anh.

Sức sống Bạch Long Vĩ ảnh 1

Cô giáo Vũ Thị Hà và học trò ôn lại bài hát "Ngôi trường em yêu" - do chính cô sáng tác - trong giờ ra chơi.

Công dân của đảo

Ngôi trường của em nằm bên bờ biển xanh/ Hai hàng cây đi đến trường xanh ngát/ Cô giáo dịu hiền dìu dắt các em thơ/ Xây cho ngôi trường mãi mãi tươi đẹp hơn... Ðoạn mở đầu bài hát "Ngôi trường em yêu", do cô Vũ Thị Hà, giáo viên Trường tiểu học Bạch Long Vĩ sáng tác, không chỉ vẽ lên khung cảnh tươi trẻ của Bạch Long Vĩ ngày hôm nay, mà còn thể hiện tình cảm thầy trò gắn bó, thương yêu giữa muôn nghìn cánh sóng.

Năm 1996, khi mầu xanh còn chưa phủ kín Bạch Long Vĩ, cô Vũ Thị Hà đã nuôi ước mơ đi "trồng người" ở hòn đảo này. Sức khỏe không được tốt, cho nên chuyến hành trình đầu tiên ra đảo của cô giáo trẻ Vũ Thị Hà chẳng khác nào thử thách đời người. "Ði được nửa đường, tàu gặp cơn bão lớn buộc phải chuyển hướng về Cát Bà tránh trú một ngày đêm. Khi bão tan, mọi người phải dìu tôi lên tàu để tiếp tục hành trình. Ðặt được chân lên đảo, tôi òa khóc rồi ngất xỉu, phải nằm ở trạm y tế mấy hôm mới dậy được", người giáo viên sinh năm 1969 hồi tưởng.

Trong ký ức của cô giáo tóc đã nhuốm mầu gió biển, điện sinh hoạt ở Bạch Long Vĩ ngày ấy phát bằng máy nổ theo ca ngắn. Giờ học, cô trò phải ngồi sát cửa sổ lấy ánh sáng. Trường lớp cũng chỉ là mấy gian nhà cấp bốn, điều kiện đi lại giữa đảo và đất liền cũng rất khó khăn...

Ở Bạch Long Vĩ, có một thứ tình cảm đặc biệt, lan tỏa, ấm áp lạ thường bất chấp nắng gió biển khơi và hàng triệu con sóng bạc đầu. Với cô giáo Vũ Thị Hà, đó là sự quan tâm, uốn nắn để các thế hệ học trò phát huy truyền thống nhân ái, đùm bọc lẫn nhau của những lớp TNXP đi trước. Giờ ra chơi, cô trò cùng ra sân ngắm tàu thuyền qua lại, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện gia đình nho nhỏ, bình dị. Những lúc đó, trái tim của người giáo viên lại như được sưởi ấm, tiếp thêm quyết tâm bám đảo, giữ vững ngọn lửa soi đường cho học sinh thân yêu. "Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên của tôi ở đây tưởng chừng trôi qua lặng lẽ nhưng lại trở nên hết sức đặc biệt. Cuối buổi học, tôi khóa lớp chuẩn bị ra về, bỗng tất cả học sinh ùa lại vây quanh tôi, tay cầm những bó hoa muống biển trắng muốt cùng những lời chúc hồn nhiên", cô xúc động kể.

Chia tay cô giáo Vũ Thị Hà, chúng tôi rảo bước trên con đường bê-tông sạch sẽ, thênh thang ở trung tâm đảo. Giữa ánh nắng xiên xiên khiến tôi phải nheo mắt, một bóng áo bờ-lu trắng hiện ra cuối đường. Khi nghe tôi hỏi đường tới trung tâm y tế, người mặc áo bờ-lu giở chiếc mũ tai bèo đã bạc mầu đang đội từ tốn giải thích: "Năm 2008, Trung tâm y tế của đảo được nâng cấp thành bệnh viện, mang tên Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ, trực thuộc Sở Y tế TP Hải Phòng. Từ đây tới đó cũng gần thôi". Thật tình cờ, người tôi gặp trên nẻo đường lạ lẫm ấy lại là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm, bác sĩ Phạm Văn Hải.

Hơn 10 năm trước, có một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành y đã lập tức nộp đơn tình nguyện xin ra huyện đảo Bạch Long Vĩ làm việc. Là con một, lại đang được nhiều đơn vị xin về làm việc bởi thành tích học tập xuất sắc, dù bố mẹ ra sức khuyên ngăn, chàng trai trẻ Phạm Văn Hải quyết tâm lên đường. "Nhớ lại, tôi cũng thấy lạ. Không đi theo con đường bằng phẳng bố mẹ đã vạch sẵn, từ bỏ mọi điều kiện thuận lợi... vậy mà trước khi lên tàu lại run vì sực nhớ mình... chưa biết bơi. Bước chân lên đảo, định bụng học bơi bằng được, lại nhận ra rằng, không phải lúc nào cũng có nước ngọt để tắm tráng", bác sĩ Phạm Văn Hải hóm hỉnh.

Ít bác sĩ trẻ nào vừa ra trường đã "được" thực tập trong những điều kiện khó như anh Hải. Do thiếu điện, anh cùng các đồng nghiệp thường phải dùng nến hoặc đèn dầu để thắp sáng khi khám bệnh. Thuốc men chưa có nhiều, mỗi lần về thăm nhà, các anh lại chủ động xin tài trợ, hoặc tự mua thêm thuốc mang ra đảo dự trữ. Ngày ấy, khi điện thoại di động vẫn còn là thứ xa xỉ, gặp trường hợp cấp cứu hoặc ca mổ khó, các bác sĩ trẻ thường phải chạy tới trụ sở UBND huyện xin cấp điện cứu người. Anh Hải còn nhớ rất rõ vụ một ngư dân bị ngư cụ đâm thủng bụng. Các anh vừa gọi điện xin ý kiến những bác sĩ đầu ngành trong đất liền, vừa nhanh chóng báo cáo lãnh đạo địa phương và Sở Y tế xin tiến hành phẫu thuật cho người bệnh...

Có lẽ, hình ảnh người ngư dân rưng rưng nằm trên giường hồi sức, đôi tay đen sạm mầu nắng cháy run rẩy nắm lấy tay anh để cảm ơn cứu mạng đã khiến bác sĩ Phạm Văn Hải càng thêm bền chí với quyết định bám đảo.

Tinh thần xung kích, ý chí sắt son của lớp TNXP đầu tiên tình nguyện đi xây dựng Bạch Long Vĩ đến nay vẫn hiện hữu qua mỗi cán bộ, người dân nơi đây. Ðó là cảm xúc tự hào của cô giáo Vũ Thị Hà khi đón những cán bộ - các thế hệ học trò đầu tiên của mình quay về phát triển quê hương; là niềm hân hoan của bác sĩ Phạm Văn Hải mỗi khi cứu sống thành công một ca bệnh khó. Và hơn thế nữa, là sự hăng hái của lớp TNXP của ngày hôm nay đang phơi phới sức trẻ, hừng hực khí thế sẵn sàng tiếp bước cha anh. Có thể tin tưởng rằng, Bạch Long Vĩ sẽ ngày một trù phú, tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại một trong tám ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ.