Sức mạnh từ lời kêu gọi đấu tranh chính nghĩa

70 năm trước vào ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để chống lại âm mưu đưa nước ta quay trở lại thời kỳ thuộc địa, chìm trong cảnh nô lệ.

Việt Nam muốn hòa bình nhưng thực dân Pháp muốn chiến tranh. Các nhà nghiên cứu lịch sử Pháp và Nga cho rằng thông điệp này đã khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam đứng lên bảo vệ quyền độc lập, thống nhất thiêng liêng và cũng từ cuộc đấu tranh chính nghĩa này, những người yêu chuộng hòa bình, có lương tri trên thế giới đã đứng về phía Việt Nam.

Ông Phrăng-xoa Gơ-nê, ở thành phố Mông-tơ-rơi thuộc ngoại ô Pa-ri, cũng như nhiều người khác yêu chuộng hòa bình hiểu rõ cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngay từ lúc là sinh viên, ông đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Từng giảng dạy về lịch sử, từ năm 1986, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về chiến tranh ở Đông Dương, về phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa và đã đến Việt Nam bốn lần. Ông cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 19-12-1946 được toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ, vì Người quá hiểu thực dân Pháp và có niềm tin mãnh liệt rằng người Việt Nam vốn có tinh thần không chịu bị ngoại xâm đô hộ từ lịch sử nghìn năm trước.

Ông P.Gơ-nê nhớ lại: Lúc diễn ra toàn quốc kháng chiến ở Việt Nam vào cuối năm 1946 tôi mới được 15 tuổi và đã phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh thế giới thứ hai. Nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng và thống trị mãi cho đến khi quân Đồng Minh đổ bộ lên Noóc-man-đi năm 1944, rồi nước Pháp được giải phóng. Còn ở Đông Dương như chúng ta đều biết, Pháp đã áp đặt chế độ bảo hộ, cai trị ở Việt Nam suốt mấy thập kỷ cho đến khi bị phát-xít Nhật chiếm quyền thống trị ngày 9-3-1945. Sau khi phát-xít Nhật đầu hàng Đồng Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quân Pháp quay trở lại với mục đích giải giáp quân Nhật đầu hàng và cũng nhằm tái lập chế độ thuộc địa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc đàm phán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp tại Phông-ten-nơ-blô.

Những diễn biến liên tục từ lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 cho tới ngày đưa ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là giai đoạn hiểm nghèo đối với Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như chính quyền non trẻ của Việt Nam khi đó phải đối mặt cả quân Tưởng, quân Pháp và đương nhiên họ không muốn đối đầu với nhau. Nếu cùng lúc tiến hành chiến tranh với cả hai đội quân này, chỉ dẫn đến thất bại vì Pháp và Tưởng Giới Thạch đã ký Hiệp ước ngày 28-2-1946. Chủ trương hòa hoãn với Pháp để thoát khỏi sự chiếm đóng của quân Tưởng là nước cờ rất khôn ngoan của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là điều mà Pháp muốn vì khi đó Pháp phải khắc phục hậu quả sau bốn năm bị phát-xít Đức chiếm đóng, không đủ lực để mạo hiểm. Có thể nói tình hình lúc đó rất phức tạp, phe chủ chiến trong chính quyền Pháp không muốn mất quyền kiểm soát ở Việt Nam nếu không sẽ xảy ra phong trào đòi độc lập, quyền tự quyết ở các nước thuộc địa khác như An-giê-ri hay Ma-rốc.

Còn người dân Việt Nam và lực lượng Việt Minh không chấp nhận việc hai miền nam bắc bị chia cắt. Chiến tranh không tránh khỏi khi Pháp yêu cầu Chính phủ Việt Nam giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội vào ngày 19-12-1946. Chiến tranh lại xảy ra vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Pháp để tìm kiếm giải pháp hòa bình nhưng không được, còn Pháp chủ ý tái chiếm Việt Nam.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối tiến hành chiến tranh được xác định rất rõ khi kêu gọi tất cả người dân từ già đến trẻ và không phân biệt đảng phái, tôn giáo hay dân tộc, đứng lên đánh thực dân Pháp. Như vậy tất cả lực lượng vũ trang cùng toàn dân Việt Nam đều được huy động để tham gia kháng chiến. Trước tình thế không còn đường lùi, lời kêu gọi này như hiệu lệnh, vừa ngắn gọn vừa mạnh mẽ như: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ hay niềm tin rằng thắng lợi nhất định về dân tộc (ta) Việt Nam... Ông P.Gơ-nê cho rằng chính từ lời kêu gọi này, tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam được khơi dậy, đấu tranh bằng bạo lực thay vì đàm phán.

Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, ông P.Gơ-nê cho biết: Với những gì diễn ra sau ngày 19-12-1946 đều cho thấy sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chọn đúng thời điểm, xác định đúng đối tượng để đấu tranh, để huy động toàn dân kháng chiến. Mỗi dân tộc đều có quyền độc lập, tự chủ và chính điều đó đã thúc giục nhân dân Việt Nam đứng lên chống lại và đánh thắng những đội quân hùng mạnh từ thực dân Pháp cho đến đế quốc Mỹ. Ở Pháp cũng vậy, khi phát-xít Đức đến chiếm đóng, đàn áp, người dân Pháp đã vùng dậy kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Người dân Việt Nam đã đặt niềm tin vào lời kêu gọi đấu tranh cho sự sinh tồn của mình khi bị các đội quân nước ngoài đe dọa. Điều họ muốn cũng giống như các dân tộc khác trên thế giới, đó là hòa bình và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Pháp để đàm phán với chính quyền Pháp, không phải là đe dọa nước Pháp mà là để dàn xếp nhằm chấm dứt xung đột. Ở Pháp khi đó nhiều người chỉ muốn chiến tranh kết thúc, nhưng giới cầm quyền không chấp nhận, vì với họ lùi bước trước một nước thuộc địa là một sự sỉ nhục. Và đó chính là lý do tại sao phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam của những người Pháp yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là những người cộng sản Pháp, ngày càng lan rộng ở ngay trên đất Pháp, đòi giảm bớt ngân sách quân sự, chống âm mưu gây chiến, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến tranh chỉ mang lại đau thương, mất mát, chia ly, tước đi những quyền cơ bản của người dân và lịch sử cũng đã chứng minh Việt Nam luôn đánh thắng quân xâm lược. Hậu quả để lại vô cùng nặng nề nhưng người dân Việt Nam vẫn một lòng đi theo Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì không gì có thể đánh đổi độc lập, tự do.

Đồng chí Y.Ê-mê-li-a-nốp, nhà sử học, nhà báo, Đảng Cộng sản LB Nga cho rằng, thắng lợi lịch sử của quân đội và nhân dân Xô-viết trong cuộc chiến tranh ái quốc chống phát-xít Đức là nguồn cổ vũ rất lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam. Rồi chiến thắng Điện Biên Phủ cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa tới những nước thuộc địa của Pháp ở châu Á và châu Phi.

Đồng chí Y.Ê-mê-li-a-nốp cho rằng: Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Việt Nam phải sống cực khổ, bị đàn áp dã man bởi phát-xít Nhật, thực dân Pháp rồi bị đe dọa từ sự chiếm đóng của quân Tưởng. Phát-xít Nhật đầu hàng là cơ hội để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân hành động, giành lại độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhân dân Việt Nam đã đánh đổ xiềng xích thực dân trong gần 100 năm và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Câu cuối trong bản Tuyên ngôn Độc lập "Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" đã bao hàm sự tiên lượng về khả năng diễn ra cuộc đấu tranh lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên đúng khát vọng của nhân dân Việt Nam sau nhiều thập kỷ dưới ách đô hộ của thực dân, rồi đến phát-xít Nhật, đó là khát vọng độc lập, hòa bình. Vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam đã vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Có sự hưởng ứng, tham gia của toàn dân mới tiến hành kháng chiến được và vào thời điểm đó chỉ có quần chúng, nhân dân Việt Nam chứ không phải lực lượng bên ngoài mới có thể giúp lực lượng cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh do Liên Xô tiến hành là để bảo vệ Tổ quốc và nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Liên Xô phải đối mặt kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ sau khi chúng đã xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Âu một cách dễ dàng. Giương cao ngọn cờ chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng, quân và dân Liên Xô đã chiến đấu vì nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Khi xảy ra chiến tranh, Liên Xô đã có lực lượng vũ trang mạnh cả về quân số và trang bị vũ khí, trong khi đó chính quyền non trẻ của Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức như nạn đói, rồi bất lợi về tương quan lực lượng. Vì vậy, việc lựa chọn đường lối đấu tranh, hay chính xác hơn là chiến tranh nhân dân cho thấy sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì đấu tranh cách mạng chỉ thành công khi có sự ủng hộ, tham gia của quần chúng. "Tất cả vì vận mệnh của đất nước và ngay trong lần đầu tiên đến thăm Hà Nội, tôi có thể cảm nhận rõ sức mạnh, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam khi đến tham quan Tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ở cạnh Hồ Gươm. Đó chính là tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Chính Việt Nam đã cho thấy một chân lý rằng: Một dân tộc dù nhỏ yếu nhưng có mục tiêu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước cùng với đường lối đấu tranh đúng đắn và đặc biệt là sự đoàn kết triệu người như một chắc chắn đánh bại quân xâm lược", đồng chí Y.Ê-mê-li-a-nốp nói.