Sức hấp dẫn của du lịch ẩm thực Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng không chỉ có cảnh quan đẹp, di sản văn hóa phong phú cùng sự thân thiện, mến khách của người dân mà còn gây ấn tượng bởi những trải nghiệm thú vị từ ẩm thực địa phương. Những món ăn truyền thống hội tụ bản sắc vùng, miền, có mầu sắc, hương vị hấp dẫn… đã trở thành một trong những yếu tố, góp phần thu hút du khách đến với thành phố du lịch sôi động của duyên hải miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch trải nghiệm tại khu ẩm thực Helio (Đà Nẵng) trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Khách du lịch trải nghiệm tại khu ẩm thực Helio (Đà Nẵng) trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chọn đi du lịch Đà Nẵng vào đúng dịp đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tuy thời tiết năm nay mưa lạnh kéo dài không thuận lợi cho các hoạt động tham quan và vui chơi ngoài trời, song gia đình anh Kim Ha Jun (Hàn Quốc) vẫn có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, đặc biệt là việc thưởng thức nhiều món ăn ngon của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Ngoài thưởng thức hải sản tại các nhà hàng ven biển, họ cũng hòa mình vào không khí rộn ràng của chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà), khu ẩm thực đêm Helio (quận Hải Châu) và thỏa sức lựa chọn nhiều đặc sản địa phương tại chợ Hàn nổi tiếng để mua về làm quà. Các thành viên trong đoàn đều hài lòng và cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu với bạn bè, người thân về du lịch Đà Nẵng.

Còn đối với chị Phạm Thu Trang (Hà Nội) thì dù đã đi Đà Nẵng nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, chị vẫn dự định dành kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay tại đây.

Một trong những lý do là ẩm thực phong phú, dễ dàng tìm kiếm ở mọi khu phố, giá cả hợp lý, các chủ hàng nhiệt tình và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm. Không ít du khách trẻ hoặc blogger du lịch, ẩm thực người Việt Nam và người nước ngoài đã ví Đà Nẵng như “thiên đường ẩm thực”, tạo ra trào lưu check-in các quán ăn ngon, gia truyền nhiều đời...

Ở Đà Nẵng, một thành phố cạnh biển và có núi, có sông, du khách luôn cảm nhận được trọn vẹn những nét đặc sắc của dải đất miền trung từ các món ăn truyền thống của người dân như: Bánh xèo, mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo (thịt lợn), bún chả cá, bún mắm, bánh canh, cháo chờ, gỏi cá Nam Ô, bánh tráng Túy Loan…

Từ lâu, ẩm thực đã chứng tỏ vai trò quan trọng đối với du lịch. Không chỉ là dịch vụ ăn uống thông thường, rất nhiều câu chuyện thú vị, nét văn hóa trong đời sống bản địa cũng có thể được truyền tải sinh động thông qua bàn ăn, hoặc trong quá trình tiếp xúc giữa người nấu ăn/người bán hàng với thực khách.

Sự hấp dẫn, mới lạ và ngon miệng ở điểm đến du lịch sẽ là một động lực để níu chân du khách trở lại cũng như quảng bá tới nhiều người khác.

Ở Đà Nẵng, một thành phố cạnh biển và có núi, có sông, du khách luôn cảm nhận được trọn vẹn những nét đặc sắc của dải đất miền trung từ các món ăn truyền thống của người dân như: Bánh xèo, mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo (thịt lợn), bún chả cá, bún mắm, bánh canh, cháo chờ, gỏi cá Nam Ô, bánh tráng Túy Loan…

Bên cạnh đó còn có nhiều món ăn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, quốc gia như đặc sản từ các tỉnh lân cận (bánh lọc Huế, cơm gà Hội An, ram thịt Quảng Ngãi), hoặc món ăn của người Hoa (hủ tiếu, mì xào, xíu mại, há cảo), và cả món ăn du nhập từ các nước có lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đông đảo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Mỹ…

Nhiều du khách Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ rằng, họ thích cảm giác ngồi trong các quán ăn nhỏ hoặc hàng rong vỉa hè để thưởng thức đồ ăn, thức uống dân dã, mộc mạc sau khi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng hoặc đi dạo qua nhiều tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp ở thành phố Đà Nẵng. Có nhiều nhà hàng nhỏ trong ngõ với mức giá bình dân nhưng chế biến ngon và thái độ phục vụ tốt nên “tiếng lành đồn xa” và được rất đông du khách tìm đến.

Mặt khác, một số món đặc sản cũng được biến tấu, nâng tầm, có mặt trong các nhà hàng sang trọng và phục vụ du khách với quốc tịch, khẩu vị khác nhau. Chẳng hạn như bánh xèo, đôi khi nhân bánh không còn đơn giản là tôm, thịt lợn, giá đỗ truyền thống, mà có thêm mực, cá giò, thịt bò cao cấp, nấm, thậm chí là tôm hùm… và được trình bày kỳ công, đẹp mắt.

Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 4.000 cơ sở ăn uống và 200 nhà hàng thường xuyên phục vụ khách du lịch các món ăn tương đối đa dạng về chủng loại, từ đặc sản địa phương đến các món quốc tế (theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng).

Những năm gần đây, du lịch gắn với văn hóa ẩm thực được ngành du lịch chú trọng, đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền, tập huấn cho các đơn vị và hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp “chặt chém” về giá cả... Đà Nẵng cũng là một trong số các địa phương tích cực dùng nhiều hình thức để quảng bá ẩm thực như một sản phẩm du lịch, một cầu nối để du khách biết đến nhiều hơn.

Thời gian qua, Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức lễ hội ẩm thực hằng năm, thi tài giữa các đầu bếp, sản xuất nội dung về món ngon Đà Nẵng đăng tải trên YouTube, TikTok…

Bên cạnh đó, từ những nơi kinh doanh ẩm thực truyền thống lâu năm như chợ Hàn, chợ Cồn (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), các phố ăn uống cầu Trần Thị Lý, đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thanh Nghị… cho đến các trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống mới như chợ đêm Sơn Trà, Helio cũng tạo được dấu ấn tốt, được du khách yêu thích và chia sẻ đánh giá trên các trang mạng xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, nhằm đa dạng hóa và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các chuyên gia, dự kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong quý I/2023.

Tại một số hội thảo chuyên đề, các chuyên gia và đại diện các hiệp hội tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đóng góp những ý kiến, đề xuất cụ thể như: Khuyến khích sự đa dạng nhưng vẫn cần định vị thương hiệu đặc trưng riêng của ẩm thực Đà Nẵng, thiết kế tua tuyến chuyên biệt về du lịch ẩm thực chứ không chỉ là một hoạt động phụ trợ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực dịch vụ nhà hàng và ăn uống, tiếp tục quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng số...

Từ kinh nghiệm của một số điểm du lịch nổi tiếng thế giới và khu vực, du lịch Đà Nẵng cũng có tiềm năng và ưu thế lớn để xây dựng nên những tua du lịch ẩm thực hoặc trải nghiệm lớp học nấu ăn hấp dẫn và độc đáo, giúp du khách vừa có dịp nếm thử hương vị mới, vừa hiểu thêm về văn hóa nơi điểm đến, nguồn gốc nguyên liệu, ý nghĩa của món ăn đối với người dân địa phương...