Sửa xong, đường băng Nội Bài sẽ có “tuổi thọ” ít nhất 20 năm

NDO -

Những hư hỏng tại đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài sẽ được các đơn vị sửa chữa triệt để, có “tuổi thọ” ít nhất 20 năm, giúp sân bay trục có tần suất hoạt động nhộn nhịp này bảo đảm khai thác ổn định, lâu dài.

Sửa xong, đường băng Nội Bài sẽ có “tuổi thọ” ít nhất 20 năm

Tiến độ đáp ứng yêu cầu

Ngày 29-6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (thường gọi là đường băng 1A, nằm bên ngoài) và 11R/29L (1B, nằm gần sân đỗ) sân bay Nội Bài; xây dựng mới ba đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.031 tỷ đồng; thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021 và hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

Theo Giám đốc dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cơ quan đại diện chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án) Đặng Hùng Thái, do vừa khai thác vừa thi công nên dự án phải chia thành nhiều giai đoạn. Từ đầu tháng 7 đến ngày 26-7, sân bay đóng đường băng 1A và đường lăn S7, toàn bộ máy bay cất hạ cánh trên đường băng 1B.

Để bảo đảm khai thác, vận hành bay trong thời gian đóng cửa thi công nút đường lăn S7, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và phương án tổ chức thi công, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và phương án vận hành tàu bay cho hạng mục đường lăn phục vụ khai thác trong quá trình thi công (đường lăn S7B)  thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Hạng mục đường lăn S7B có chiều dài 262,97 m, rộng 23 m, được chia thành ba khu vực với tổng thời gian thi công 48 ngày. Giai đoạn 1, đóng cửa đường băng 1A từ ngày 1 đến 26-7, thi công khoảng 140 m chiều dài; giai đoạn 2 từ ngày 27-7 đến 17-8, đưa vào khai thác trở lại đường băng 1A và đường lăn S7, đóng cửa đường băng 1B.

Dự kiến đến cuối tháng 7, các đơn vị sẽ triển khai thi công đồng thời các hạng mục còn lại của đường lăn S7B (giai đoạn 2) kết hợp sửa chữa, nâng cấp đường băng 1B đoạn từ đường lăn S2 đến S7 với chiều dài khoảng 3.200 m và hệ thống đường công vụ phục vụ thi công. Trong thời gian này, đơn vị thi công xây dựng mới một phần đường lăn S7B cạnh đường lăn S7.

Theo ông Đặng Hùng Thái, tiêu chuẩn thi công đường băng có sự khác biệt và cao hơn nhiều so với thi công đường bộ bởi chiều dày lớp bê-tông cốt thép trung bình đạt 38 cm, độ sụt bê-tông bằng 0 và bảo đảm độ bằng phẳng, bê-tông mác cao, đáp ứng sự chống chịu cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350 MPa) của các loại máy bay thân rộng như B777-300ER, B747, B767,… hoặc tương đương.

Hiện, các nhà thầu tập trung nhân lực chia ca, kíp 24/24 giờ và máy móc để thi công đập bỏ những tấm bê-tông bị vỡ, kiểm tra cốt nền dưới đường băng, nếu có sình lún là xử lý triệt để. Trong trường hợp nền tốt, nhà thầu sẽ bù bê-tông cho đồng nhất và tăng cường mặt trên để chịu lực tốt hơn.

Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của ngành hàng không như Cảng vụ hàng không miền bắc, khu bay,... Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho hay, sau thời gian khởi công từ cuối tháng 6 đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài tiến độ vẫn bám sát kế hoạch và đáp ứng yêu cầu.

“Các đơn vị liên quan phải thường xuyên tổ chức họp bàn bạc, thống nhất phương án. Từng biện pháp thi công của liên danh nhà thầu được thẩm định rất chặt chẽ, mỗi một hạng mục thi công đều phải trình lên Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt kỹ càng do liên quan đến vấn đề an toàn bay”, ông Roãn khẳng định.

Theo biện pháp thi công được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, giai đoạn 1 phải đóng đường băng 1A, chỉ được thi công một phần đường lăn S7B (khoảng 140 m) nên khối lượng thiết bị và tiến độ sửa chữa không nhiều, kế hoạch ngày 26-7 tới sẽ thi công xong đường lăn này để máy bay cất cánh thuận lợi trên đường băng 1B.

Giai đoạn 2 vào cuối tháng 7-2020 trở đi, các đơn vị thi công sẽ triển khai sửa chữa, nâng cấp đường băng 1B (từ đường lăn S2 đến S7, chiều dài gần 3 km) và khai thác đường băng 1A. Với công địa lớn, tiến độ thi công giai đoạn này sẽ được các đơn vị đẩy nhanh.

Tuy nhiên, ông Roãn chỉ ra khó khăn ở việc vừa thi công vừa bảo đảm khai thác bay (tần suất và lưu lượng bay nội địa của các hãng hàng không hiện nay còn lớn hơn các chuyến bay quốc tế và nội địa năm 2019) nên phải cân đối kỹ việc điều phối bay và thời gian triển khai thi công được tính chi tiết đến từng phút.

Phương án trước kia, phía Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra thời gian sửa chữa đường băng Nội Bài là 28 tháng, tuy nhiên, ông Roãn tiết lộ, Ban Quản lý dự án Thăng Long tính toán sơ bộ phương án thi công mới này sẽ rút ngắn so với trước đây tám tháng (20 tháng), thậm chí còn có thể rút ngắn thời gian thi công xuống nữa nếu như có điều kiện thuận lợi.

Ông Dương Viết Roãn cũng tự tin với tiến độ sửa chữa dự án trọng điểm này, khẳng định trước Tết Nguyên đán năm nay, đường băng 1B sẽ hoàn thành sửa chữa, cải tạo nâng cấp để đáp ứng cho kế hoạch phục vụ khai thác cao điểm Tết. Sau đó, các đơn vị mới quay sang sửa chữa đường băng 1A, bảo đảm kế hoạch xong trước Tết Nguyên đán năm 2022 đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

“Khi sửa chữa, nâng cấp xong, tuổi thọ của đường băng sân bay Nội Bài tối thiểu sẽ đạt 20 năm và trong nhiều năm nữa sẽ không phải lo nghĩ về công tác bảo đảm an toàn, hư hỏng của đường cất hạ cánh,” ông Roãn khẳng định.

Điều hành bay phù hợp, tránh xáo trộn lớn

Giám đốc Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài Đinh Hoàng Lâm khẳng định, sân bay Nội Bài phải được các đơn vị khác hỗ trợ, sát cánh cùng tổ chức điều tiết tàu bay cất hạ cánh, các phương án tổ chức thi công. Tư vấn và Ban Quản lý dự án phải đưa ra các biện pháp đi vào từng giai đoạn thi công cụ thể để bảo đảm khai thác kể cả một chuyến bay cũng giống như… 1.000 chuyến. 

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, sản lượng chuyến bay, lưu lượng hành khách hay số tuyến bay mở mới của các hãng hàng không ở thị trường nội địa thời điểm hiện tại đã vượt so cùng kỳ năm 2019. Đề cập về hai dự án sửa chữa đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Thắng tiết lộ, trong quá trình thi công, Cảng vụ Hàng không sẽ giám sát bảo đảm an toàn tuyệt đối các chuyến bay.

Căn cứ vào các giai đoạn thi công của dự án, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có phương án điều tiết giờ cất hạ cánh (slot) cho phù hợp với năng lực khai thác. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, năng lực khai thác sẽ giảm khoảng 30 - 35% so với việc khai thác cả hai đường băng. Cụ thể, trước đây, ngành hàng không điều phối 32 chuyến/giờ với Nội Bài, khi đóng một đường băng, năng lực khai thác giảm xuống còn 27 đến 29 chuyến/giờ.

Tuy nhiên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, lưu lượng tần suất hoạt động thời gian này sẽ không có xáo trộn lớn bởi điều hành các chuyến bay trước đây bao gồm cả nội địa và quốc tế nhưng hiện nay, các hãng hàng không chỉ còn khai thác nội địa. Trong đó, tần suất bay quốc tế chiếm khoảng 50%, khi giảm tần suất bay, hoạt động bay nội địa vẫn được duy trì.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng xây dựng phương án đề phòng khi chỉ còn một đường băng thì các tình huống khẩn nguy sẽ xử lý, đối phó ra sao và khắc phục trong thời gian nhanh nhất khai thác bay của hai sân bay lớn nhất đất nước này. Theo Phó giám đốc sân bay Nội Bài Tô Tử Hà, để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh trong thời gian thi công đường băng, sân bay Nội Bài đã tiến hành điều chỉnh phương án khẩn nguy, cứu nạn, cứu hộ, di dời tàu, quán triệt các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp, bảo đảm tuyệt đối an toàn bay.

Nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm (6-8 giờ sáng, 12-14 giờ chiều; 16-18 giờ tối) sẽ được giãn, để bố trí vào các giờ thấp điểm. Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt nhấn mạnh, ACV cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, triển khai các giải pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khi triển khai dự án nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bay và tuân thủ đúng các quy định về an ninh, an toàn trong khai thác.

Về tổng thể, việc thi công sẽ không làm giảm nhiều về năng lực phục vụ chuyến bay trong ngày của sân bay. Tuy nhiên, để giữ an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, tần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng, thay vì trên hai đường băng như trước.