Vừa qua, Ban Khách hàng Tổ chức-Doanh nghiệp của Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) đã phát thông báo về việc “gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS” gửi Cục Thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản và Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh, thành phố ven biển trên toàn quốc. Thông báo này cho biết: Căn cứ nội dung thông báo chính thức của bộ phận kỹ thuật liên quan sự cố lỗi vệ tinh Thuraya 3 đã làm ảnh hưởng dịch vụ VNPT-VSS vào ngày 15/4/2024, Ban Khách hàng Tổ chức-Doanh nghiệp kính thông báo đến các đơn vị kể trên về việc gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS.
Từ 23 giờ 30 phút ngày 15/4/2024, bộ phận kỹ thuật giám sát hệ thống đã phát hiện sự cố mất kết nối do lỗi vệ tinh Thuraya 3 của đối tác đã gây ảnh hưởng đến toàn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS. Ðến ngày 28/4, tín hiệu vệ tinh VNPT-VSS đã được khôi phục. Qua kiểm tra hệ thống giám sát, khoảng 1.360/1.964 tàu đã có tín hiệu giám sát hành trình. Tuy nhiên, từ ngày 28/4 đến nay, vẫn còn tình trạng tín hiệu chập chờn, không ổn định.
Trước đó, các tàu cá bị ảnh hưởng bao gồm tàu BÐ 94555 TS của ngư dân Ðặng Thành Ðược ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và nhiều tàu cá khác cùng địa phương. Ngoài ra, hàng loạt tàu cá của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) như tàu cá mang số hiệu BÐ 94653 TS của ngư dân Lê Văn Cu; tàu BÐ 93123 TS của ngư dân Nguyễn Văn Hiệp; tàu BÐ 93764 TS của ngư dân Lê Văn Chương; tàu BÐ 93496 TS của ngư dân Nguyễn Ðức Hoàng; tàu BÐ 93842 TS của ngư dân Lê Ðức Hưng; tàu BÐ 93940 TS của ngư dân Nguyễn Trần Út; tàu BÐ 93934 TS của ngư dân Hồ Huỳnh Quý; tàu BÐ 93027 TS của ngư dân Hồ Văn Quít; tàu BÐ 30930 TS của ngư dân Giáp Tấn Tài... cũng bị ảnh hưởng. Tất cả những tàu cá nói trên đều lắp thiết bị giám sát hành trình của Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) và đều mất tín hiệu.
Sự cố mất kết nối hành trình không chỉ gây lo lắng cho ngư dân về tình hình hoạt động trên biển của họ mà còn ảnh hưởng việc nhận hỗ trợ nhiên liệu. Theo quy định của Chi cục Thủy sản Bình Ðịnh, để được nhận hỗ trợ nhiên liệu, trước khi ra khơi tàu cá phải nhắn 1 tin bờ, khi ra đến ngư trường tiếp tục nhắn 7 tin khơi. Sau khi kết thúc chuyến đánh bắt trên đường vào bờ để bán sản phẩm phải nhắn tiếp 7 tin lộng, khi vào đến bờ phải nhắn 1 tin bờ cuối cùng. Trong chuyến biển, nếu tàu cá nào không thực hiện đúng quy định nêu trên thì chủ tàu mất tiền hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển đó. Chưa kể, đây là thời điểm, sản lượng đánh bắt được rất cao nên sẽ tác động không nhỏ đến cơ hội đánh bắt hải sản của ngư dân.
Từ tháng 4 đến tháng 9 (âm lịch) hằng năm là thời điểm tàu cá của ngư dân Bình Ðịnh nô nức vươn khơi bám biển để đánh bắt vụ cá nam. Thời điểm này, sóng yên biển lặng nên ngư dân tranh thủ, tàu vừa cập bờ bán sản phẩm là lại ra khơi ngay. Trong vụ cá nam, những tàu hậu cần nghề cá chuyên thu mua sản phẩm của những tàu đánh bắt khơi xa thường có thu nhập cao vì vào mùa này tàu cá thường đánh bắt đạt sản lượng lớn.
Tiến sĩ Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Thủy sản Bình Ðịnh
Bình Ðịnh là tỉnh dẫn đầu về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên trong khu vực miền trung với gần 3.200 chiếc. Hầu hết ngư dân Bình Ðịnh đều lắp thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), số còn lại lắp thiết bị của Ðài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và một số nhà cung ứng khác.
Theo đánh giá của ngư dân là khách hàng của VNPT, giá của các thiết bị giám sát hành trình dao động khoảng 20-30 triệu đồng/thiết bị. Do thiết bị của VNPT có thêm điện thoại vệ tinh nên mức giá lắp đặt xong khoảng hơn 30 triệu đồng. Dù giá cao như vậy, nhưng nhìn chung việc chăm sóc khách hàng của các hãng thiết bị này vẫn chưa được tốt, nhất là khi giao cho các đại lý lắp đặt. Khi lắp xong, gần như các đại lý hết trách nhiệm, có trường hợp dù vẫn trong thời gian bảo hành nhưng khi thiết bị hỏng hóc, gặp sự cố, ngư dân liên hệ sửa chữa lại rất khó khăn.
Ngày 15/5, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh đã thông báo về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Căn cứ văn bản của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp thông báo, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có lắp thiết bị giám sát hành trình của Tổng công ty dịch vụ viễn thông thực hiện các giải pháp tạm thời theo quy định.
Ðối với tàu cá đang hoạt động trên biển, ngư dân sẽ tạm thời sử dụng các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc có thể thay thế như hệ thống liên lạc tầm xa HF, hệ thống nhắn tin đài bờ để báo cáo vị trí về Chi cục Thủy sản với tần suất 6 giờ/lần. Ðối với tàu cá đang neo đậu tại bến, cảng có kế hoạch hoạt động, họ sẽ chuẩn bị các thiết bị thông tin liên lạc thay thế để bảo đảm kết nối về bờ và báo cáo vị trí về bờ với tần suất 6 giờ/lần. Trước khi cho xuất bến, chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá sẽ phải ký cam kết tuân thủ báo cáo vị trí 6 giờ/lần và không vi phạm các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Tại thời điểm này, các cơ quan chức năng sẽ liên tục theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các chủ tàu/thuyền trưởng không chấp hành giải pháp tạm thời theo quy định. Ðồng thời khuyến khích chủ tàu cá trang bị mới thiết bị VMS của các nhà cung cấp khác theo quy định của pháp luật. Riêng Tổng công ty Dịch vụ viễn thông sẽ thu thập, tổng hợp, cập nhật toàn bộ thông tin của các tàu cá bị ngắt kết nối do sự cố vệ tinh gửi về Cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản các tỉnh có tàu cá để đối chiếu, xác minh thông tin, xử lý vi phạm theo quy định. Ðây là một bước đi quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động khai thác đánh bắt trên biển diễn ra đúng quy định, đồng thời góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).