Ngày 29/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH).
Thông tư mới đề cập tới 10 nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024.
Thông tư này cũng ban hành nhiều mẫu văn bản liên quan tới chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể như: Phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm; phiếu giới thiệu việc làm; đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp; thông tin về việc thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng; quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Các mẫu giấy tờ là thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính đã được tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Cục trưởng Cục Việc làm, thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trước đó, ngày 8/11/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Công văn số 4379/LĐTBXH-VL của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.
Theo thống kê, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/8/2022, có hơn 20.700 người lao động đã hưởng hết 12 tháng trợ cấp thất nghiệp và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.
Điều 50 của Luật Việc làm quy định, thời gian trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng.
Luật Việc làm cũng quy định, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 11/2023, số người tham bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng hơn 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 (919.075 người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (909.089 người).
Qua đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp góp phần hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, chính sách kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.