Sự trở lại mạnh mẽ của chương trình truyền hình thực tế

NDO - Chiếm khung giờ “vàng” trên các kênh sóng của nhiều nhà đài, chương trình truyền hình thực tế gây ấn tượng với công chúng bởi diễn biến thật, con người thật và cảm xúc thật. Khác với cách làm truyền hình truyền thống, thể loại này ít phụ thuộc vào kịch bản sẵn có, yếu tố diễn xuất được hạn chế tối đa.
0:00 / 0:00
0:00
Đội ngũ sản xuất chương trình truyền hình thực tế "2 ngày 1 đêm".
Đội ngũ sản xuất chương trình truyền hình thực tế "2 ngày 1 đêm".

Sau khoảng thời gian bão hòa, gần đây, xu hướng sản xuất các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền từ nước ngoài dần quay trở lại trên thị trường giải trí. Tận dụng phạm vi tiếp cận rộng rãi của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều sản phẩm thu về hàng triệu lượt theo dõi và tương tác từ khán giả.

Cuộc cạnh tranh gắt gao trong nền công nghiệp giải trí

Ở Việt Nam, truyền hình thực tế là thể loại được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong hoạt động khai thác các sản phẩm văn hóa quốc tế. Để bắt kịp những xu hướng giải trí trên thế giới, không ít lần các công ty truyền thông chạy đua sản xuất cùng một định dạng chương trình. Họ chi khoản đầu tư “khủng”, hướng đến chung một nhóm đối tượng người xem và phát sóng trên cùng một khung giờ.

Cuộc cạnh tranh này đã thúc đẩy sức sáng tạo của những người làm nội dung số. Nhiều sản phẩm tạo được tiếng vang lớn trên thị trường nhờ sự hấp dẫn và công phu trong cả nội dung lẫn hình thức. Thế nhưng, cũng có những cái tên phải dừng sản xuất vì chưa nhận được sự hưởng ứng của khán giả chỉ sau một mùa phát sóng.

Thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng Bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: “Cạnh tranh là quy luật tất yếu trong cuộc chơi sáng tạo ở nền công nghiệp giải trí. Để tạo ra sức nóng cho chương trình, đội ngũ sản xuất cần có những kịch bản thú vị và đánh trúng vào tâm lý của số đông khán giả. Sản phẩm không đạt hiệu quả sẽ lập tức bị đào thải”.

Thông thường, format (định dạng) chương trình truyền hình thực tế luôn được xây dựng theo hướng mở. Với những chương trình mua bản quyền từ các quốc gia khác, đội ngũ sản xuất thường có 2 lựa chọn: mua toàn bộ nội dung đã được hoàn thiện hoặc chỉ mua lõi format. Tùy vào mục đích khai thác, bên mua có quyền thay đổi bản gốc trong chừng mực nhất định để phù hợp với định hướng nội dung.

Từ cấu trúc gốc, ekip sản xuất thường thêm thắt những yếu tố liên quan đến con người, văn hóa, lịch sử và địa lý đặc trưng của đất nước để bản địa hóa sản phẩm. Các nội dung này làm nên nét bản sắc riêng của mỗi quốc gia khi cùng phát sóng một định dạng chương trình.

Tuy nhiên, sản xuất chương trình truyền hình thực tế không chỉ là câu chuyện về sáng tạo nội dung, mà còn liên quan đến thị trường nội địa và nhu cầu khán giả. Bản chất của hoạt động này giống như việc bán các sản phẩm tinh thần đến với công chúng. Vì thế, bất kể là chương trình thuần Việt hay ngoại nhập, nếu chúng có format tương đồng, hoặc làm cùng lĩnh vực và chủ đề thì khó tránh khỏi sự so sánh khi lên sóng.

Theo biên tập viên Phạm Thị Phương Nhi, người phụ trách nội dung gameshow “Siêu tài năng nhí” (phát sóng trên kênh HTV7), với những chương trình công chiếu nhiều mùa, ekip sản xuất vừa phải cạnh tranh với các đối thủ, vừa phải đối mặt trước trở ngại do chính họ tạo ra.

“Sự thành công của mùa trước sẽ tạo áp lực rất lớn cho nhà sản xuất và biên tập ở mùa sau. Muốn duy trì sức hút, chúng tôi buộc phải xem xét, thay đổi format để nâng cấp chất lượng và làm mới chương trình”, biên tập viên Phương Nhi chia sẻ thêm.

Trải qua 3 mùa lên sóng, nhóm sản xuất của “Siêu tài năng nhí” mùa 4 đã thêm các thử thách mới và tăng độ khó cho những nhiệm vụ cũ để không làm khán giả nhàm chán. Công tác dàn dựng sân khấu cũng được đề cao nhằm tạo nên diện mạo hấp dẫn và tăng sự kịch tính cho chương trình.

Cần khắc phục nhiều hạn chế

Thực chất, xu hướng remake (làm lại) các chương trình thực tế mua bản quyền từ nước ngoài vốn không phải là hướng đi mới mẻ. Cách làm này đã được nhiều đài truyền hình và nhà đầu tư trong nước thực hiện ở thập kỷ trước.

Không ít gameshow nổi tiếng có bản quyền từ các nước phương Tây đã ra đời như: “Giọng hát Việt”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Bước nhảy hoàn vũ”,… Song vài năm trở lại đây, các nhà sản xuất Việt lại chuộng sử dụng những sản phẩm mua lại từ các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Hàn Quốc.

Bắt đầu với “Running man”, chương trình đánh dấu làn sóng du nhập các gameshow thực tế nổi danh khắp châu Á về Việt Nam. Liên tiếp sau đó, có thể kể đến các sản phẩm như “Rap Việt”, “2 ngày 1 đêm”, “Mẹ vắng nhà, ba là siêu nhân” nhận được sự quan tâm từ đông đảo khán giả. Những chương trình này đã thành công ở nhiều quốc gia, bao gồm cả phiên bản được nhượng quyền.

Không khó để nhận ra, lợi thế của việc sản xuất lại những chương trình này là đã có sẵn một lượng khán giả theo dõi nhất định. Tiếng vang của bản gốc sẽ mang lại hiệu quả về mặt truyền thông, khiến khán giả tò mò và đón đợi ngay khi ra mắt. Các vấn đề về nội dung như bố cục kịch bản, kết cấu trò chơi, vai trò khách mời; cùng những yếu tố thuộc hình thức như phông chữ phụ đề, hiệu ứng hình ảnh và âm thanh thường được cung cấp theo bản quyền. Nhờ đó, hoạt động sản xuất trở nên dễ dàng hơn.

Việc duy trì phát sóng của thể loại truyền hình thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Một số sản phẩm khi du nhập vào Việt Nam gặp nhiều rào cản do những khác biệt trong văn hóa và nhu cầu tiếp nhận của công chúng. Công tác kiểm duyệt trước khi lên sóng chưa thực sự chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị thẩm mỹ của chương trình.

“Việc kiểm soát phát ngôn trong những chương trình truyền hình thực tế của các nhà đài còn hạn chế. Để lôi kéo sự chú ý, đôi lúc, các khách mời đã phát ngôn quá đà. Đồng thời, một số chi tiết ứng xử bị biên tập viên xào nấu không được “sạch sẽ”, gây bức bối cho người xem”, Thạc sĩ Phan Văn Tú cho biết.

Với đặc trưng không có kịch bản chi tiết, sự tương tác giữa các khách mời là nhân tố quan trọng trong việc mang lại sức sống cho truyền hình thực tế. Thế nên, những lúc thiếu chất liệu hấp dẫn, một số nhà sản xuất còn sử dụng cả chiêu trò để gây sự chú ý với người xem. Câu chuyện về đời tư, màn tranh cãi nảy lửa, những phát ngôn gây sốc của người chơi được tận dụng triệt để. Những chiêu trò này dần khiến khán giả ngán ngẩm và mất niềm tin vào yếu tố “thực” của thể loại này.

Ở thời điểm thị trường ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của nhiều chương trình thực tế, các nhà sản xuất cần phán đoán chính xác nhu cầu của người xem. Bên cạnh đó, vấn đề Việt hóa cũng nên được chú trọng. Trong quá trình chuyển giao, các chương trình, trò chơi truyền hình nên biến tấu theo thị hiếu của người Việt để phù hợp với thuần phong mỹ tục và tâm lý tiếp nhận của công chúng.