Sự phục hồi mong manh của kinh tế Canada

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) quyết định đợt cắt giảm lãi suất thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh chi tiêu hộ gia đình ở nước này tiếp tục giảm. Được dự đoán là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các nền kinh tế tiến bộ khác, song Canada tiếp tục đối mặt không ít thách thức, khi áp lực về giá nhà đất và dịch vụ vẫn khiến lạm phát tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Một siêu thị tại Canada. Ảnh: Reuters
Một siêu thị tại Canada. Ảnh: Reuters

Theo khảo sát của BoC, doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada không mấy lạc quan về tình hình kinh tế nước này và cho rằng nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2025. Các doanh nghiệp đều báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng dưới mức trung bình trong 12 tháng qua.

Xét về tổng thể, các doanh nghiệp không kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Đặc biệt, các công ty dựa vào chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm mạnh nhất trong quý vừa qua và khoảng 30% trong số các công ty đó dự kiến doanh số sẽ giảm trong năm tới. Theo khảo sát, vẫn có tới 20% số công ty cho rằng sẽ có một đợt suy thoái kinh tế đáng kể; 51% số người được khảo sát dự đoán nền kinh tế Canada sẽ suy giảm trong 12 tháng tới.

Sự không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế đã khiến nhiều người tiêu dùng ở Canada cắt giảm chi tiêu. Việc cắt giảm chi tiêu của các hộ gia đình chủ yếu là do họ phải phân bổ một lượng lớn thu nhập để trả nợ.

Tăng trưởng về tiêu dùng được dự báo sẽ phục hồi nhẹ, tăng lên 2,25% vào cuối năm 2025, song triển vọng này cũng sẽ bị ảnh hưởng do một số yếu tố. Các gia đình có thế chấp vẫn đang phải đối mặt với mức nợ cao hơn, mặc dù mức nợ này sẽ giảm khi lãi suất hạ xuống. Họ cũng đang có mức thu nhập tăng lên do lãi suất đầu tư tăng. Sự kết hợp của những yếu tố này khiến khó dự đoán về thời điểm chi tiêu của người tiêu dùng hồi phục.

Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp Canada đang chuyển sự quan tâm sang các chính sách chi tiêu của chính phủ và thuế theo quy định. Số lượng doanh nghiệp coi thuế và chính sách là mối quan tâm lớn nhất đã tăng vọt. Sự bất ổn của nền kinh tế và áp lực chi phí cũng là mối lo ngại hàng đầu.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh vẫn ở mức thấp lịch sử, với nhiều công ty nhận thấy nhu cầu yếu đang gây sức ép đối với lợi tức đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ đầu tư vào máy móc và thiết bị trong 12 tháng tới tăng nhẹ. Triển vọng lạm phát vẫn ở mức cao, khiến nhiều người dự đoán mức tăng giá sẽ duy trì trên 4% trong năm tới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây nâng dự báo về nền kinh tế Canada với mức tăng trưởng dự kiến là 1,3% trong năm nay và 2,4% vào năm tới, vượt cả Mỹ và Anh. Theo đó, vào năm 2025, Canada được dự đoán là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước G7 và các nền kinh tế tiến bộ khác. Còn theo Báo cáo chính sách tiền tệ của BoC, GDP của nước này sẽ tăng 1,5% trong nửa cuối năm nay; năm 2025 và 2026 lần lượt là 2,1% và 2,4%.

Tuy nhiên, theo Thống đốc BoC Tiff Macklem, dù tăng trưởng kinh tế ở Canada đã được đẩy lên, nhưng vẫn còn yếu so với tốc độ tăng trưởng dân số. Việc cắt giảm lãi suất mới nhất của BoC được cho là phù hợp với những mong đợi của các nhà kinh tế và thị trường Canada. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm một số đợt cắt giảm nữa trong tương lai, bởi nếu lạm phát tiếp tục giảm như dự báo, kỳ vọng lãi suất cơ bản tiếp tục giảm là điều hợp lý. Việc BoC tiếp tục cắt giảm lãi suất hay tạm dừng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát và dấu hiệu suy yếu của thị trường việc làm.

Bức tranh kinh tế đã sáng hơn, với triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong G7, song sự phục hồi của nền kinh tế Canada vẫn mong manh. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada đứng trước nhiều khó khăn, trong bối cảnh lãi suất vẫn cao và tăng trưởng còn chậm. Việc BoC tiếp tục chính sách cắt giảm lãi suất được kỳ vọng giúp nền kinh tế Canada “hồi sinh” trong nửa cuối năm nay.