Nỗi lo lạm phát của Canada

Nỗ lực chống lạm phát ở Canada ngày càng khó khăn, có thể phải trả giá bằng suy thoái kinh tế. Các tổ chức công đoàn ở Canada kêu gọi Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) ngừng tăng lãi suất và cảnh báo rằng, một cuộc suy thoái kinh tế sẽ làm tăng gánh nặng đối với người lao động, vốn có mức lương đã "tụt hậu" so với lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Nỗi lo lạm phát của Canada

Kể từ tháng 3 năm nay, BoC đã 5 lần tăng lãi suất, song vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, giữ lãi suất ở mức hiện tại là 3,25%, mức cao nhất trong 14 năm qua. BoC được dự báo còn tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 10 tới và lãi suất có thể sẽ lên tới 4% vào cuối năm nay. BoC cho rằng, nền kinh tế Canada vẫn đang phát triển quá nóng và cần phải chịu những tổn thất lớn về kinh tế để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Chiến dịch của BoC nhằm kiềm chế giá cả tăng thông qua các đợt nâng lãi suất phần nào phát huy tác dụng, khi tỷ lệ lạm phát của Canada đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, áp lực tiềm ẩn khiến lạm phát ở Canada có thể đạt đỉnh vào quý IV/2022. Ðáng chú ý, hầu hết các nhà kinh tế đều nhận thấy dấu hiệu giá cả tiếp tục tăng nhanh.

Lãi suất cao đang "bóp nghẹt" thị trường nhà ở và chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời bắt đầu tác động tới thị trường lao động. Canada đã mất khoảng 114.000 việc làm trong mùa hè vừa qua, đưa tỷ lệ thất nghiệp lên 5,4% trong tháng 8.

Chiến dịch chống lạm phát của BoC đã khiến ngân hàng trung ương "xung đột" với các tổ chức công đoàn vốn đang nỗ lực bảo đảm tiền lương của người lao động theo kịp lạm phát. Tháng 8 vừa qua, mức lương trung bình theo giờ ở Canada đã tăng 5,4% so với mức cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng lương vẫn "tụt hậu" so với tỷ lệ lạm phát. Các tổ chức công đoàn lo ngại về những thiệt hại đối với thị trường lao động do việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Trong khi đó, lãi suất cao sẽ khiến các hộ gia đình giảm sức mua. Tính đến tháng 8, giá nhà tại Canada đã giảm 16% so với mức đỉnh hồi tháng 2. Người dân Canada đang trải qua một cú sốc về tài sản, khi giá trị tài sản ròng đã giảm gần 1.000 tỷ CAD (741 tỷ USD) trong quý II/2022, mức giảm kỷ lục 6,1% so với quý I/2022.

Nền kinh tế Canada được dự báo đối mặt nguy cơ suy thoái vừa phải, bắt đầu từ quý IV/2022 và kéo dài đến giữa năm 2023. Theo mô hình dự báo của Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, trong bối cảnh lãi suất tăng, lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán lên 8%, người tiêu dùng Canada sẽ chịu áp lực lớn phải siết chặt chi tiêu và hạn chế các khoản nợ.

Oxford Economics dự đoán, tăng trưởng kinh tế Canada giảm 1,8% trong 3 quý tới. Giám đốc phụ trách mảng kinh tế Canada của Oxford Economics, ông Tony Stillo nhận định, khả năng đợt suy thoái này chuyển thành một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng hiện vẫn ở mức thấp, nhưng các gia đình Canada sẽ nợ nần nhiều và thị trường nhà ở sẽ cảm nhận được áp lực của suy thoái.

Triển vọng kinh tế Canada còn bị phủ bóng từ nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế số 1 thế giới đình trệ hoặc suy thoái sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế Canada. Quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lên 3,25% đến 3,5%, được cho là đặt nền kinh tế lớn nhất thế giới trước bờ vực suy thoái. Khả năng sẽ có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất của Mỹ và Canada vào năm tới và thậm chí có thể là sự chuyển hướng chính sách nếu BoC giữ nguyên lãi suất, trong khi FED tiếp tục tăng, khiến tình hình thêm phức tạp, cuộc chiến chống lạm phát của BoC trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù các chuyên gia cảnh báo rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát có thể khiến Canada phải trả giá vì kinh tế suy thoái, song BoC vẫn lạc quan cho rằng có thể làm chậm đà tăng trưởng mà không khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Canada cần hạ nhiệt nền kinh tế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.