Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, trách nhiệm

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra. Tuy nhiên, việc lạm dụng sản phẩm này sẽ gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản. Do vậy, chúng ta cần sử dụng an toàn, tiết kiệm, cân đối BVTV .
0:00 / 0:00
0:00
Hội viên Hội Nông dân xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. (Ảnh PHAN LÝ)
Hội viên Hội Nông dân xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. (Ảnh PHAN LÝ)

Thuốc BVTV có tác dụng chính là phòng, trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, sản lượng và bảo quản nông sản.

Sử dụng cân đối giữa thuốc sinh học và hóa học

Mô hình quản lý dịch hại trên cây dưa chuột bằng bộ giải pháp có tên là Bội Thu và thuốc BVTV sinh học được Công ty TNHH Bayer Việt Nam đã triển khai tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Khoảng 3.000m2 đất của gia đình anh Hà Minh Nam, xã Tân Dĩnh được chọn là địa điểm triển khai mô hình.

Anh Nam chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên trách bên phía Bayer, ngày 23/4, gia đình tôi bắt đầu trồng dưa. Theo phương pháp truyền thống, trước đây cứ 7 ngày chúng tôi sẽ phun thuốc BVTV hóa học một lần, thậm chí nhiều thời điểm hầu như ngày nào cũng phải phun, nhất là lúc thời tiết bất lợi và giai đoạn cây cho thu hoạch. Khi canh tác theo phương pháp quản lý dịch hại bằng bộ giải pháp Bội Thu và sử dụng sản phẩm thuốc BVTV sinh học Serenade SC của Công ty TNHH Bayer, tùy theo quá trình sinh trưởng, tình trạng bệnh của cây, chúng tôi phun luân phiên giữa thuốc BVTV sinh học và hóa học. Nhờ vậy, cây sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian phun thuốc được giãn cách khoảng 10 ngày/lần. Chi phí đầu vào về thuốc, công lao động giảm đáng kể.

Trước đây, mỗi vụ 1 sào gia đình anh Nam phải đầu tư 700 nghìn đồng tiền thuốc, 200 nghìn đồng tiền công phun. Từ khi áp dụng phương pháp canh tác mới, tiền thuốc và công phun giảm còn 700 nghìn đồng/sào. Cách canh tác này còn tăng khả năng ra hoa, đậu quả và kéo dài thời gian thu hoạch của cây, năng suất tăng khoảng 20% so với cách làm truyền thống, ước đạt 2 tấn/sào. Với giá bán từ 6.000-17.000/kg tùy kích cỡ, hứa hẹn vụ mùa này cho lợi nhuận cao. Quan trọng nhất là sản phẩm an toàn, không để lại dư lượng. Toàn bộ sản phẩm dưa bao tử được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C thu mua và xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Ông Lê Minh Khởi, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Bayer Việt Nam, phụ trách mô hình cho biết, canh tác theo phương pháp quản lý dịch hại bằng giải pháp Bội Thu, nhà nông có thể sử dụng linh hoạt, luân phiên thuốc BVTV sinh học Serenade SC với các sản phẩm thuốc trừ bệnh, trừ sâu hóa học khác trên thị trường, nhằm giảm số lần phun thuốc hóa học trên vụ ở tất cả giai đoạn phát triển của cây.

Việc này, khuyến khích nhà nông thực hành canh tác bền vững và ứng dụng các giải pháp bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Các kết quả khảo nghiệm cho thấy, giải pháp canh tác mới mang đến sự khác biệt đáng kể trong năng suất và chất lượng cây trồng, tiết kiệm chi phí cho người sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình này giúp nông dân thay đổi tư duy trong canh tác, xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững theo chiến lược, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mô hình trồng dưa chuột của anh Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc phát triển sản phẩm thuốc BVTV sinh học hiệu quả và an toàn. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Cục đã phối hợp với 14 doanh nghiệp thuốc BVTV và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký cam kết phối hợp thực hiện chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021-2025”.

Ngay từ cuối năm 2021, các hiệp hội, doanh nghiệp thuốc BVTV đã lên kế hoạch, chi tiết các nội dung thực hiện. Theo đó, cụ thể hóa các chương trình tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho nông dân, tập huấn cho cơ sở buôn bán; cùng nông dân bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý bao gói sau sử dụng. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất trên nhóm cây trồng chủ lực.

Sau một thời gian triển khai, chương trình ghi nhận nhiều kết quả tốt. Tính đến hết tháng 6/2023, chương trình đã tổ chức tập huấn gần 12 nghìn lớp học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho hơn 458 nghìn nông dân. Cùng với đó, đã tổ chức 335 lớp tập huấn cho gần 16 nghìn đại lý. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, các doanh nghiệp đã triển khai xây dựng 760 mô hình trên lúa, cây ăn quả, chè, cây công nghiệp, cây hoa và cây rau với tổng diện tích khoảng 220 nghìn ha, trong đó, chủ yếu tập trung vào các mô hình trên cây lúa và trên cây ăn quả.

Thói quen sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại của người dân đã có sự chuyển dịch. Trong giai đoạn từ năm 2020-2022, tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022.

Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ

Hiện nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hơn 4.300 tên thương phẩm, trong đó, thuốc BVTV hóa học có khoảng 3.500, thuốc BVTV sinh học có hơn 800 tên thương phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, nhiều người đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp BVTV khác, gây hệ quả nghiêm trọng như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và sử dụng nông sản; để lại dư lượng trên nông sản, gây mất cân bằng trong tự nhiên, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc BVTV bị giảm sút hoặc mất hẳn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV của một số nông dân còn tùy tiện, phụ thuộc chủ yếu vào hướng dẫn của đại lý bán hàng.

Trong khi trình độ chuyên môn của nhiều đại lý còn yếu kém, thường chạy theo lợi nhuận, bất chấp hệ quả xấu có thể xảy ra. Trước thách thức này, cơ quan chức năng nhất là chính quyền các địa phương cần có sự vào cuộc đồng bộ và giải pháp quyết liệt trong việc hỗ trợ nông dân, các đại lý buôn bán thuốc BVTV tiếp cận và nắm rõ nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách). Các địa phương cần xây dựng mô hình sử dụng cân đối, hài hòa giữa thuốc BVTV sinh học và hóa học từ đó nhân rộng mô hình hiệu quả, từng bước hình thành nên vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao.

Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ đầu vào của thuốc BVTV. Đơn vị này tiếp tục xây dựng lộ trình tập huấn cụ thể cho nông dân cách thức sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc nhiều hơn của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương trong quản lý, tổ chức thanh kiểm tra chất lượng, giám sát thị trường buôn bán, sử dụng thuốc BVTV. Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường kết nối chính quyền địa phương với các đại lý buôn bán thuốc BVTV, giúp họ hiểu hơn trách nhiệm, quyền lợi trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV không gây ô nhiễm môi trường.