Vụ việc chưa có tiền lệ, gióng lên hồi chuông cảnh báo
Về xác định trách nhiệm liên đới từ vụ việc, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là ở chính những nơi để xảy ra sự việc. Thứ hai là trách nhiệm vai trò kiểm soát của cơ quan cấp trên, trách nhiệm về quản lý con người, trách nhiệm quản lý về mặt nghiệp vụ.
“Anh làm không đến nơi đến chốn thì anh phải có trách nhiệm chứ không thể đổ hết cho cấp dưới được. Anh ăn lương để anh kiểm soát, kiểm tra mà không làm hết trách nhiệm. Rõ ràng anh phải chịu xử lý”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, ở vụ việc này rõ ràng có hai vấn đề. Một là do kiểm soát không chặt, hai là có một bộ phận không nhỏ người thực hiện nhiệm vụ suy thoái, và trục lợi và dẫn đến sự việc như vậy.
Đại biểu cũng cho rằng còn có nguyên nhân là do chúng ta xử lý chưa triệt để: “Thí dụ, cấp dưới vi phạm vậy thì cấp trên có chịu trách nhiệm không, anh phải chịu trách nhiệm chứ”.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc phát hiện một phòng điều trị trong bệnh viện mà lại được trang bị đầy đủ cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy, “bay lắc”... là chưa có tiền lệ.
“Bệnh viện không thể nói là không biết được. Trong khuôn viên bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện không biết, không hay, tôi cho là thiếu trách nhiệm. Đề nghị cơ quan công an truy cứu thêm trách nhiệm những người liên đới để làm gương”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xử lý hình sự các đối tượng là nhân viên của bệnh viện (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) có liên quan tới đường dây mua bán, sử dụng ma túy, cần phải tiếp tục truy cứu những người có trách nhiệm liên quan, và xác định trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện.
“Vụ việc này là bài học cảnh tỉnh cho các cơ sở dịch vụ thuộc quản lý của nhà nước. Người đứng đầu các cơ sở cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm an ninh, trật tự, rà soát và chấn chỉnh ngay các hoạt động tại cơ sở do mình phụ trách”, đại biểu Hòa nói.
Liệu có kẽ hở trong quy trình quản lý bệnh viện?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết từ thông tin ban đầu của vụ việc có thể đánh giá đây là một vụ việc nghiêm trọng, người vi phạm có hành vi táo bạo, và thể hiện quy trình quản lý bệnh viện có sơ hở.
“Sơ hở rất lớn, trách nhiệm của người quản lý bệnh viện rất rõ. Việc quản lý lỏng lẻo. Sự việc quá mới, tôi tin rằng cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, cơ quan điều tra sẽ hoạt động một cách kiên quyết, tìm cho ra đến cùng những ai có liên quan và vì sao để xảy ra như vậy”, đại biểu nhận định.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết rất ngạc nhiên khi tại một nơi là bệnh viện, là nơi các bác sĩ tập trung trí lực, vật lực chữa bệnh giúp người tâm thần trở lại trạng thái bình thường, thì lại phát hiện trong đó có ổ “bay lắc” có quy mô lớn, có đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn gây nguy hại cho xã hội, cộng đồng.
Đại biểu Chiến cũng ghi nhận, đánh giá cao công tác phá án, triệt phá ổ buôn bán trái phép chất ma túy của cơ quan công an. “Đây là kết quả đáng ghi nhận, triệt phá đường dây buôn bán, nằm sâu trong bệnh viện như vậy”, đại biểu nói.
Đại biểu Chiến cho rằng trước hết cần điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân vì sao cơ sở khám chữa bệnh có được diện tích và phòng ốc, mang được vật tư, vật liệu vào lắp thành phòng phục vụ “bay lắc”, xây dựng tường cách âm, lắp loa đài công suất cao...thường xuyên sử dụng như vậy.
“Âm thanh phát ra, quản lý bệnh viện như thế nào. Trước hết tôi cho rằng vô cùng lỏng lẻo, nếu biết mà làm ngơ thì cơ quan điều tra xác minh làm rõ hành vi liên quan theo quy định pháp luật, là trách nhiệm hình sự hay hành chính?”, đại biểu cho biết.
“Một đơn vị với mục đích hoạt động là chữa bệnh cho người mắc bệnh tâm thần mà để xảy ra một ổ nhóm tội phạm rất nghiêm trọng như vậy không thể nói là không chịu trách nhiệm. Vậy phải xem xét trách nhiệm đến đâu, mức độ thế nào và thời gian để tồn tại bao lâu hoạt động tội phạm này, để từ đó xác định trách nhiệm của người quản lý bệnh nhân và cơ sở để sử dụng làm nơi thực hiện tội phạm như vậy”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.