Sự cần thiết của lệnh cấm thiết bị thuốc lá điện tử

Trao đổi tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN, được tổ chức chiều 4/11, Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành của Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) cho rằng đã đến lúc cần thiết của lệnh cấm thiết bị thuốc lá điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Ulysses Dorotheo trao đổi tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN.
Tiến sĩ Ulysses Dorotheo trao đổi tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN.

Tiến sĩ Ulysses Dorotheo cho rằng, Việt Nam, cũng như các quốc gia ASEAN khác, đang đối mặt với vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa nicotine và các chất độc hại.

Ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ bằng cách thiết kế các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bắt mắt dưới dạng đồ chơi, thực phẩm, bánh kẹo, hay những sản phẩm khác; sử dụng mạng xã hội và các sự kiện về phong cách sống để “tiêm nhiễm” rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm “không thể thiếu” với giới trẻ; và truyền bá quan niệm sai lầm rằng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng an toàn hơn thuốc lá truyền thống.

Lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là cách hiệu quả nhất để bảo vệ công dân khỏi tác hại của khói thuốc, đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi nghiện nicotine. Tại ASEAN, năm quốc gia: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Báo cáo “Vạch trần ảnh hưởng: Cách ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng các khoản tài trợ để định hình chính sách tại ASEAN” vừa được SEATCA công bố đã phơi bày cách ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng các hoạt động trách nhiệm xã hội để gây ảnh hưởng đến chính sách y tế công cộng ở Đông Nam Á.

Sự cần thiết của lệnh cấm thiết bị thuốc lá điện tử ảnh 2

Nhiều nước trên thế giới đã đưa lệnh cấm đối với thuốc lá điện tử.

Những phát hiện chính đó là: Lợi dụng các hoạt động trách nhiệm xã hội như một công cụ chiến lược để phát triển mối quan hệ với các quan chức chính phủ và định hình chính sách có lợi cho ngành công nghiệp thuốc lá, làm suy yếu các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngành công nghiệp thuốc lá đã tài trợ trực tiếp cho nhiều tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ và các đơn vị khác.

Các lệnh cấm một phần đối với quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá là không hiệu quả. Nếu không có lệnh cấm toàn diện thì ngành công nghiệp thuốc lá vẫn có thể gián tiếp gây ảnh hưởng của mình thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội.

SEATCA kêu gọi các chính phủ thực hiện một lệnh cấm toàn diện đối với việc tài trợ cho các hoạt động xã hội của ngành công nghiệp thuốc lá, như được nêu trong Điều 5.3 và Điều 13 Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.

SEATCA cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng và cộng đồng cần tỉnh táo, cảnh giác và phản đối các nỗ lực tẩy trắng nhằm cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp thuốc lá.

Về phía Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo rằng tất cả các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đều độc hại, có chứa nhiều độc tố khác nhau có thể gây ung thư, bệnh tim và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do vậy, sự xuất hiện thêm các sản phẩm mới này sẽ làm gia tăng số người hút thuốc, tăng nguy cơ sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện khác, tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.

Năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của Thuốc lá. Sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.

Sự cần thiết của lệnh cấm thiết bị thuốc lá điện tử ảnh 3
Thanh thiếu niên tỉnh Cà Mau tham dự cuộc thi “Tìm hiểu tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử”.

Đáng chú ý, tuy tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm nhưng Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).

Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng).

Việt Nam đã ký tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11/11/2004. Trong khuôn khổ Công ước đã kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu, khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.

Từ thực tế nói trên đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn thuốc lá mới.

Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ, trước mắt là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác; mặt khác cũng xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.