Bảo đảm tính thực thi của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm Việt Nam phê chuẩn và thực thi Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (có hiệu lực từ ngày 17/3/2005). Mục tiêu của FCTC là bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc.
Tỷ lệ người trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá vẫn ở nhóm cao trên thế giới. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Tỷ lệ người trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá vẫn ở nhóm cao trên thế giới. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá đang gây ra khoảng tám triệu ca tử vong mỗi năm và có một triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó có 64% số tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ và 160 nghìn ca tử vong là trẻ em dưới năm tuổi.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng tới hơn 70 nghìn người nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng tới hơn 70 nghìn người nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, nhờ nỗ lực đến từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh, thiếu niên nước ta đã giảm, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi lại đang gia tăng một cách đáng kể từ 3,5% (năm 2022) lên 8,0% (năm 2023).

Trong khi đó, ở nhóm tuổi trẻ từ 15 đến 24 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử với tỷ lệ 7,3%; nhóm tuổi từ 25 đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45 đến 64 là 1,4%. Đặc biệt đáng lo ngại là ở nữ giới tuổi từ 11 đến 18 tuổi, theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023...

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (đại diện WHO tại Việt Nam) cho rằng, ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới hiện có rất nhiều "chiêu trò" để cản trở việc đề xuất cấm thuốc lá mới như: sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng; đôi khi là những cái tên rất trá hình như "Thế giới không khói thuốc" tài trợ các nghiên cứu về phòng chống tác hại thuốc lá. Trong khi đó, Điều 5.3 của FCTC là khi ban hành và thực thi các chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá, các bên sẽ hành động để bảo vệ các chính sách này khỏi sự can thiệp bởi các lợi ích thương mại và các lợi ích riêng khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia.

Điều 21 của Hướng dẫn thực hiện Điều 5.3 đã khẳng định: Ngành công nghiệp thuốc lá không thể là đối tác trong bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc xây dựng hay triển khai chính sách y tế công cộng, vì lợi ích của nó xung đột trực tiếp với mục tiêu của y tế công cộng. Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp nhận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, các tập đoàn sản xuất thuốc lá thường truyền thông họ là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mới. Tất cả các loại thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe, do vậy đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tăng cường giám sát ngành công nghiệp thuốc lá trong việc tài trợ, hỗ trợ cho các cơ quan tổ chức, nhất là các cơ quan có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá. Bởi đây là việc làm vi phạm Điều 5.3 của FCTC.

Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy cho biết, Việt Nam đã tham gia FCTC 20 năm, trong đó Điều 5.3 có nội dung về việc khi quy định các chính sách không bị lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động, đồng thời phù hợp với quy định của quốc gia. Do vậy, Bộ Y tế luôn thận trọng và lưu ý khi làm các chính sách pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến kiểm soát thuốc lá.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tham gia xây dựng một số chính sách, trong đó có đề nghị sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại thuốc lá mới, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là giới trẻ; đồng thời đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá mới. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện rõ sự đấu tranh bảo vệ lợi ích y tế công cộng trước lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp, ngành công nghiệp thuốc lá.