Cùng suy ngẫm

Cần quy định cụ thể về quản lý thuốc lá điện tử

Nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam; sử dụng hương liệu, nguyên liệu, hóa chất, đe dọa những nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá ở nước ta.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thuốc lá điện tử dùng dung dịch chứa nicotine và được làm nóng bằng pin. Còn thuốc lá làm nóng dùng pin làm nóng thanh kim loại để nung nóng sợi thuốc. Nếu như sản phẩm thuốc lá truyền thống có tác hại lâu dài thì các sản phẩm thuốc lá mới này gây nguy hại cả dài hạn và ngắn hạn.

Theo các chuyên gia về y tế, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Thuốc lá điện tử chứa các hóa chất nhân tạo tổng hợp và liên tục thay đổi, làm phát sinh hàng loạt bệnh ngộ độc mới, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn là nơi “núp bóng” của ma túy thế hệ mới, cần sa tổng hợp.

Điều đáng lo ngại hơn cả là sự gia tăng số lượng người trẻ tìm đến các sản phẩm này. Điều tra của Bộ Y tế và kết quả nghiên cứu sơ bộ thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nữ giới nhóm tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.

Cũng theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Những con số thống kê có thể chưa đầy đủ nhưng đã cho thấy sự nguy hại cũng như nguy cơ ảnh hưởng của thuốc lá thế hệ mới tới thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Thời gian qua, vấn đề thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng nhận được sự quan tâm của xã hội và tất cả các cấp, ngành. Vừa qua, phiên giải trình quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhận được sự quan tâm của dư luận, giới khoa học và cơ quan quản lý.

Cấm hay thí điểm, là vấn đề được đặt ra. Cả Bộ Công thương và Bộ Y tế đều đã đưa ra những lý lẽ của mình trong việc muốn cấm hay thí điểm. Thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là bởi hiện còn một khoảng trống pháp lý trong việc quản lý sản phẩm mới này.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh, đề cập cụ thể cũng như định nghĩa đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới chỉ có quy định về thuốc lá điếu. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa nằm trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Do chưa được quản lý, không có quy định cụ thể nên Bộ Công thương đã đề xuất đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định mới thay thế cho Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 về kinh doanh thuốc là để có hình thức quản lý phù hợp.

Nhưng cấm theo đề xuất của Bộ Y tế chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận. Cấm được dựa trên việc phải bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân. Cấm còn nhìn từ phương diện quốc tế, khi có khoảng 40 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, 18 quốc gia cấm thuốc lá làm nóng, và chưa nước nào khẳng định quản lý thành công các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới.

Nhìn nhận một cách thực tế, chúng ta chưa đủ điều kiện để có thể quản lý tốt vấn đề này. Nhưng quan trọng hơn là xây dựng một xã hội không khói thuốc. Cấm vì nó gây hại cho sức khỏe, cấm vì sự phồn vinh đất nước, giống nòi và tương lai của đất nước.

Trong khi chờ các quy định của pháp luật một cách cụ thể, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc phòng chống buôn lậu bởi mặt hàng thuốc lá điện tử, hay thuốc lá làm nóng chưa được cấp phép. Đó là hàng lậu, hàng chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ cần phải xử lý nghiêm.