Sông băng Denman ở Nam Cực đang tụt vào hẻm núi sâu nhất thế giới

NDO -

NDĐT - Sông băng Denman ở Đông Nam Cực đang tan chảy với tốc độ chưa từng thấy, để lộ một hẻm núi khổng lồ ở dưới lòng đất đá của lục địa này, và có thể làm nước biển dâng 1,5m nếu nó tan chảy hoàn toàn.

Máng Denman (dải màu xanh đậm) sâu khoảng 3.500 mét dưới mực nước biển và có thể sớm trở thành nơi chôn của dòng sông băng khổng lồ.
Máng Denman (dải màu xanh đậm) sâu khoảng 3.500 mét dưới mực nước biển và có thể sớm trở thành nơi chôn của dòng sông băng khổng lồ.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu vệ tinh trong hơn 20 năm qua để theo dõi băng ở Denman Glacier, một sông băng rộng 20 km ở Đông Nam Cực, cùng với nền đá bên dưới nó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ giữa năm 1996 đến năm 2018, băng tan không chỉ làm sườn phía tây của sông Denman rút lui gần 5 km, mà còn có một hẻm núi sâu bên dưới sông băng khiến sự tan chảy của sông băng nhanh hơn nó có thể phục hồi.

Sườn phía tây của sông băng Denman chảy qua khe núi sâu nhất được biết đến trên trái đất, thấp hơn ít nhất 3.500 mét dưới mực nước biển. Ngay bây giờ, hẻm núi đó (được gọi là máng Denman) vẫn được bao bọc bởi các tảng băng chất đống bên trong và trên đỉnh khe núi. Tuy nhiên, khi rìa sông băng tiếp tục rút lui, nước biển ấm sẽ tràn vào hẻm núi, tác động vào những phần lớn sông băng và từ từ biến máng Denman thành một khe nước tan chảy khổng lồ.

Kịch bản xấu này có thể gây ra hậu quả khó lường, tạo nên một vòng luân hồi của sự tan chảy, cuối cùng toàn bộ băng của Denman Glacier sẽ tan thành nước biển, gây ra nguy cơ làm tăng gần 1,5 m mực nước biển toàn cầu, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nữ Tiến sĩ Virginia Brancato, Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, tác giả đứng đầu nghiên cứu cảnh báo: "Do hình dạng của nền đất bên dưới phía tây của sông băng Denman khiến việc tan băng không thể đảo ngược và điều đó sẽ làm gia tăng đáng kể mực nước biển toàn cầu trong tương lai".

Sông băng Denman ở Nam Cực đang tụt vào hẻm núi sâu nhất thế giới ảnh 1

Bản đồ này cho thấy đường nối đất của Denman Glacier rút lui giữa năm 1996 (đường màu đen) và năm 2018 (đường màu vàng). Phần lớn nằm trong lớp vỏ đại diện cho máng Denman, một hẻm núi đạt độ sâu tối đa 3.500 mét dưới mực nước biển (màu xanh nước biển). Đường tiếp đất của sông băng đã bắt đầu leo ​​xuống vách của hẻm núi.

Sông băng là những phiến băng khổng lồ nằm trên nền đá lục địa. Hầu hết các sông băng ở Nam Cực, bao gồm Denman, kết thúc ở những tảng băng lớn hoặc "lưỡi" nhô ra khỏi đất liền và tiến vào đại dương mở, nơi các cạnh của chúng từ từ dính vào nhau và tạo thành những tảng băng mới. Điểm đầu tiên mà một dòng sông băng rời khỏi nền đá và bắt đầu nổi trong nước được gọi là đường tiếp đất. Vị trí của đường này là chìa khóa cho sự ổn định của sông băng; khi nước biển ấm làm tan băng tiếp xúc với nước biển làm đường tiếp đất rút lui ngày càng xa hơn vào bên trong, làm cho các dải băng gần đó không ổn định, dễ bị tan chảy và nứt vỡ.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu vệ tinh từ Trung tâm hàng không vũ trụ Đức và Cơ quan vũ trụ Italy để đo đường tiếp đất của sông băng Denman đã thoái lui trong 22 năm từ 1996 đến 2018 và khối lượng sông băng bị mất. Họ đã chứng kiến ​​sự tan chảy trên diện rộng, Denman đã mất hơn 268 tỷ tấn băng trong hai thập kỷ đó, và tốc độ thoái lui đáng báo động chỉ ở một phía của sông băng.

Trong khi có rất ít thoái lui trên sườn phía đông của sông băng Denman (nơi một sườn núi đá ổn định đường tiếp đất) thì sườn phía tây sông băng rút ngắn lại gần 3 dặm (5 km), chúi mũi sâu xuống sườn dốc phía biển của máng Denman khổng lồ.

Nếu các xu hướng nóng lên toàn cầu hiện nay tiếp tục, máng này có thể ảnh hưởng lớn số phận của sông băng Denman, các nhà nghiên cứu viết. Khi đường tiếp đất của sông băng tiếp tục chìm sâu xuống hẻm núi (nơi nằm dưới mực nước biển), nước biển ấm sẽ đập vào các khối lớn và lớn hơn của mép sông băng, khiến nó tan chảy nhanh hơn và làm cho thềm băng trên cao hơn nữa dễ bị sụp đổ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sông băng Denman sẽ trải qua một "cuộc thoái lui nhanh chóng và không thể đảo ngược" với "hậu quả lớn" cho sự dâng lên mực nước biển sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà khoa học trước đây coi tan chảy ở Đông Nam Cực là một mối đe dọa tương đối lành tính so với sự tan chảy nhanh chóng ở đảo Pine và sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực.

"Băng ở Tây Nam Cực đã tan nhanh hơn trong những năm gần đây, nhưng với kích thước tuyệt đối của sông băng Denman có nghĩa rằng nó là tác động tiềm năng đối với mực nước biển dâng cũng đáng kể trong dài hạn", đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Eric Rignot, Đại học California, Irvine, cho biết trong tuyên bố.