Sơn La phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp trong việc tập trung nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tuyên truyền để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản… Các giải pháp này đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp với các sản phẩm đa dạng và nhiều mặt hàng được xuất khẩu...
Công nhân Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La bốc xếp hàng hóa.
Công nhân Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La bốc xếp hàng hóa.

Tỉnh Sơn La có khoảng 84.000 ha cây ăn quả, trong đó hơn 63.000 ha cho thu hoạch, sản lượng hơn 379.000 tấn. Để bảo quản nông sản thời gian dài, tăng giá trị sản phẩm và phục vụ xuất khẩu, tỉnh đã tăng cường đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản.

Đến nay, sản phẩm công nghiệp chế biến của Sơn La ngày càng đa dạng, phong phú về chất lượng, mẫu mã với 154 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao; giá trị sản phẩm chế biến được nâng lên rõ rệt, được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đón nhận; nổi bật là các sản phẩm chè, cà-phê, sữa, tinh bột sắn, đường, hoa quả sấy khô... Ngành nông nghiệp Sơn La, đã xuất khẩu cà-phê sang Đức, Malaysia; chè sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Afghanistan; tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada...

Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang duy trì sáu dây chuyền chế biến, sấy khô các loại quả, công suất 1,2 tấn quả tươi/ngày. Việc đầu tư dây chuyền chế biến quả sấy khô đã góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Do vậy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến đã công bố đối với từng sản phẩm gắn với thực hiện quan điểm phát triển trong vùng, khu vực và hình thành mối liên kết sáu nhà, gồm: Nhà nước-nhà nông-doanh nghiệp-nhà khoa học-hệ thống ngân hàng-các nhà phân phối".

Ba năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Sơn La đã phát triển đúng định hướng và đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư mới sáu dự án. Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần tiêu thụ phần lớn sản lượng nông sản của Sơn La và một số tỉnh lân cận, như: Chế biến 100% sản lượng chè tươi, cà-phê tươi, sữa, mía đường, hơn 40% sản lượng sắn củ và hơn 20% sản lượng quả các loại...; qua đó, đã và đang góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị hàng nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Cùng với ứng dụng công nghệ vào chế biến, tỉnh Sơn La còn triển khai 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 70%. Tiêu biểu, với cây cà-phê, tỉnh đã nghiên cứu tuyển chọn các giống cà-phê mới có năng suất chất lượng cao, thay thế giống cũ và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh Sơn La... góp phần mở rộng diện tích lên gần 20.000 ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn quả tươi/năm, tăng khoảng 15-20% so với giống cũ, chống chịu được một số loại sâu bệnh hại, gia tăng về chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, tỉnh đã triển khai đề tài cấp thiết địa phương quốc gia "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía bắc". Kết quả đã lựa chọn được bốn dòng nhãn có khả năng sinh trưởng khỏe, chất lượng tốt, rải vụ thu hoạch tự nhiên kéo dài hơn 60 ngày, như các dòng nhãn chín sớm NS203, nhãn chín chính vụ T6, nhãn ánh vàng 205…

Đến nay, Sơn La đã có 28 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó ba chỉ dẫn địa lý, 22 nhãn hiệu chứng nhận; ba nhãn hiệu tập thể; hai sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài, gồm: Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017; chè Shan tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực vào tháng 7/2020…

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cho biết: Thực tế triển khai việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp ở Sơn La cho thấy, cần có thêm các giải pháp đồng bộ như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và tiềm lực để cải tiến công nghệ sản xuất. Trong đó, cần ưu tiên cho việc áp dụng các chính sách như: Giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi hoặc cung cấp các quỹ phát triển công nghệ, giúp các cơ sở có nguồn lực đầu tư vào công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực của tỉnh.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nhà mát, nhà lạnh trong bảo quản rau, quả; hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức khác thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu…