Sơn La giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các xã, vùng khó khăn của tỉnh Sơn La đã ổn định, không còn tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương hay tái trồng cây thuốc phiện như trước. Cùng với đầu tư đường, điện, trường, trạm, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân…
Đại diện Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trao bò giống tặng đồng bào dân tộc La Ha, xã Liệp Tè.
Đại diện Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trao bò giống tặng đồng bào dân tộc La Ha, xã Liệp Tè.

Để thấy rõ hơn hiệu quả của các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, chúng tôi tìm về các xã, bản vùng cao của huyện Thuận Châu, nơi từng là vùng nóng về các hủ tục và nhiều vấn đề được coi là khó giải quyết… Ấy vậy mà trong chuyến công tác lần này, ngoài ghi nhận về những đổi thay từ kết cấu hạ tầng khi được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình dân sinh, cuộc sống cùng tư duy của đồng bào nơi đây cũng đã có nhiều thay đổi rõ rệt.

Là một trong những huyện còn nhiều khó khăn, Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, trong đó 24 xã vùng ba đặc biệt khó khăn, có sáu dân tộc cùng sinh sống. Do vậy, để chăm lo, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Thuận Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất, quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Đồng chí Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu cho biết: Cùng với sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 23,77%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 12,94%. Huyện đã có nhiều giải pháp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Đến nay, Thuận Châu đã hình thành được vùng sản xuất tập trung, như: Vùng chè tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Mường É, Phổng Lập; vùng cây cà-phê tại các xã Nậm Lầu, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Pha; vùng xoài tại xã Mường Khiêng, Bó Mười, Liệp Tè; sơn tra, cây dược liệu tại sáu xã vùng cao...

Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn ổn định cuộc sống, huyện còn lồng ghép, triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Người dân trong huyện được cải thiện về đời sống, nhà ở và điều kiện sinh hoạt. Riêng trong giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho gần 400 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Huyện cũng hỗ trợ cá giống, bò giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha tại các bản thuộc xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha; 5.959 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện... Bà Quàng Thị Hương, bản Kia, xã Liệp Tè, một trong những hộ được hỗ trợ bò giống từ nguồn kinh phí Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chia sẻ: Chúng tôi vui lắm, cùng với việc được Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông, điện sinh hoạt, công trình cấp nước, giờ chúng tôi được hỗ trợ bò giống. Đây sẽ là điều kiện để các hộ khó khăn như gia đình tôi có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế.

Trao đổi với lãnh đạo huyện Thuận Châu, được biết, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tỉnh Sơn La cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa bàn quản lý của địa phương.

Để thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển và phấn đấu đến năm 2025, thoát khỏi danh sách huyện nghèo…, Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Qua đó, huyện góp phần triển khai hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia, ổn định đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số…