Theo đó, Công ty Dệt may Sơn La sẽ đào tạo nghề và trực tiếp tuyển dụng lao động tại chỗ. Hiện công ty đã nhận được hơn 1.800 hồ sơ học nghề của người dân địa phương. Theo kế hoạch, công ty sẽ tiến hành đào tạo, tổ chức thi tay nghề để tuyển chọn lao động. Những học viên đạt tay nghề trình độ A sẽ được bố trí làm việc ngay, những học viên còn lại sẽ được tiếp tục đào tạo.
Hình thức đào tạo nghề và trực tiếp tuyển dụng lao động tại chỗ của Công ty Dệt may Sơn La được đánh giá là hiệu quả khi cơ cấu lao động có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề việc làm sau đào tạo, nhất là đối với người dân vùng tái định cư.
Tỉnh Sơn La chủ trương tiếp tục có chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tổ chức sản xuất trên địa bàn nhằm tạo cơ hội để lao động nông thôn học nghề và làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế tại tỉnh cho thấy việc các doanh nghiệp trực tiếp thu hút lao động qua đào tạo nghề tại chỗ; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, giúp người lao động sớm có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Theo thống kê của tỉnh Sơn La, năm 2016, toàn tỉnh đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động nông thôn. Các ngành nghề đào tạo đa dạng như: Sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp...
* Tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của công chức, viên chức trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Theo đó, đến năm 2021, tổng biên chế tinh giản của tỉnh là 2.968 biên chế. Từ đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Tỉnh thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên rà soát để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp. Đến nay, 100% cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa. Hiện, toàn bộ các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố có mạng nội bộ và kết nối in-tơ-nét băng thông rộng. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện đạt 95,6%. Toàn bộ cơ quan, đơn vị (cấp tỉnh 579 đơn vị, cấp huyện 42 đơn vị) được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm có xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và phương án tự chủ theo quy định.