Sơn Dương quyết tâm về đích nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang vươn lên trở thành địa phương điển hình về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tăng cường sự liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Sơn Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất tại thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất tại thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Những ngày đầu tháng 8, Sơn Dương tổ chức công bố quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang công nhận bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới và hai xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện tổng số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 19 xã và ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực vượt khó cùng nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Nhờ đó, diện mạo của Sơn Dương - vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng năm xưa đã có nhiều chuyển biến đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Sơn Dương đạt chuẩn đô thị văn minh…

Triển khai thực hiện, huyện tập trung chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tập trung vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với các nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Công tác chỉ đạo triển khai được thực hiện đồng bộ, toàn diện.

Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới để họ tích cực, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.

Sơn Dương đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè (1.808,2 ha), vùng mía (1.706,5 ha), vùng cây dược liệu (56,2 ha), vùng trồng rau các loại (459,9ha), cây lâm nghiệp (31.473,6 ha). Trong chăn nuôi đã hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, hiện đại với nhiều đàn trâu (18.578 con), đàn bò (12.910 con), đàn lợn (177.328 con), đàn gia cầm (1.726.740 con), diện tích thả cá (819ha)...

Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 49 sản phẩm được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt đạt sản phẩm OCOP (12 sản phẩm đạt hạng bốn sao, 37 sản phẩm đạt hạng ba sao); có 54 sản phẩm xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm. Năm 2024 có 14 sản phẩm chăn nuôi đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn… nhiều mô hình kinh tế vùng nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sơn Dương tích cực triển khai việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án khác đang thực hiện trên địa bàn huyện… Với nguồn vốn 23 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đã có 800 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tham gia với nhiều hoạt động tích cực: Hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức nâng cao năng lực sản xuất…

Từ nguồn vốn của các chương trình, Sơn Dương đã đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 59 công trình đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, lớp học với tổng số vốn thực hiện hơn 26 tỷ đồng; huyện đã phân bổ hơn 6,7 tỷ đồng triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất…

Qua đó, hỗ trợ ổn định cuộc sống, giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, thực hiện đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đến hết năm 2023, cả 30 xã của huyện đã đạt tiêu chí về lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 53,55 triệu đồng. Đến nay, huyện có 19/30 xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, huyện tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp như đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển ổn định bền vững, khuyến khích các hợp tác xã, trang trại, gia trại, doanh nghiệp nhỏ phát triển thu hút lao động nông thôn; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, xúc tiến thương mại, quảng bá tiến tới xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng bền vững.