Nợ chồng chất
Công ty cổ phần Sahabak (sau đây gọi là Công ty) được thành lập từ năm 2009 với tổng vốn điều lệ 419 tỷ đồng. Công ty có 4 cổ đông góp vốn, gồm: Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (vốn góp 36%); Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn (vốn góp 34%); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (vốn góp 25%) và Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn-Đông Dương (vốn góp 5%).
Công ty được chấp thuận triển khai bốn dự án tại Khu công nghiệp Thanh Bình, gồm: nhà máy chế biến gỗ với mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng; nhà máy sản xuất ván MDF với mức đầu tư hơn 1.142 tỷ đồng; xưởng sản xuất ván dăm tận dụng với mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng và xưởng sản xuất viên nén nhiên liệu đốt với mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các dự án này đều đổ bể. Đến tháng 10/2016, Công ty làm thủ tục chấm dứt hai dự án nhà máy sản xuất ván MDF và xưởng sản xuất viên nén nhiên liệu đốt. Đến tháng 7/2017, Công ty làm thủ tục chấm dứt nốt hai dự án còn lại.
Sau khi chấm dứt toàn bộ các dự án này, tài sản gắn liền với đất của công ty đã bị các ngân hàng phát mại để thu hồi vốn. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã bán tài sản dự án nhà máy sản xuất ván MDF cho Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam. Ngân hàng Phát triển Việt Nam bán phát mại tài sản dự án nhà máy chế biến gỗ cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hồng Ngọc. Tuy nhiên, còn hàng loạt khoản nợ khác của Công ty cổ phần Sahabak mà đến nay Bắc Kạn vẫn chưa xử lý được.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, công ty còn nợ hơn 4,2 tỷ đồng tiền thuế (tính đến ngày 30/6/2020). Công ty còn nợ hơn 2,4 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (tính đến tháng 11/2018). Tổng cộng còn 4 lao động chưa được giải quyết chế độ thai sản và 359 lao động chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết các chế độ. Ngoài ra, Công ty còn nợ gần 4 tỷ đồng tiền sử dụng hạ tầng khu công nghiệp, tiền dịch vụ công ích hạ tầng khu công nghiệp.
Đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn chưa thể giải quyết các thủ tục pháp lý với Sahabak, do Công ty không lập được hồ sơ đề nghị hoàn trả giá trị còn lại của tài sản trên đất (rừng trồng) đã bị thu hồi.
Nhiều vướng mắc
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đối với diện tích đất đã giao cho Công ty cổ phần Sahabak thuê tại Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 11/11/2016, trong quá trình quản lý, Công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất, không có biện pháp quản lý bảo vệ chặt chẽ diện tích được giao. Một phần đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục, vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bắc Kạn đã ban hành các Quyết định: Số 2258/QĐ-UBND ngày 14/11/2019, số 1899/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 thu hồi toàn bộ hơn 2.000ha đất đã giao cho Công ty cổ phần Sahabak tại Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 11/11/2016.
Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, tài sản trên diện tích hơn 1.400ha đất thu hồi tại Quyết định số 1899/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 được bồi thường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất đã thu hồi gặp một số vướng mắc. Công ty phải lập hồ sơ đề nghị hoàn trả giá trị còn lại của tài sản trên đất bị thu hồi, cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm cơ sở xác định. Tuy nhiên, đến nay, Công ty chỉ cung cấp được một phần tài liệu liên quan, không đầy đủ.
Đến cuối năm 2021, Công ty chưa cử người đại diện theo pháp luật. Theo kết luận tại cuộc họp đại hội cổ đông Công ty ngày 30/12/2019 thì mọi chủ trương về việc xử lý tài sản trong đó có việc trả lại đất phải được thông qua đại hội cổ đông của Công ty để quyết định, song Hội đồng cổ đông chưa tổ chức họp. Vì vậy, hiện nay chưa có cơ sở thực hiện được việc lập hồ sơ đề nghị hoàn trả lại giá trị tài sản còn lại.
Tài sản dự án nhà máy chế biến gỗ của Công ty đã được bán phát mại cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hồng Ngọc. |
Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp Bắc Kạn La Đình Chính cho biết, đơn vị đã khởi kiện ra Tòa án. Tòa đã thụ lý và công nhận hòa giải, công ty chấp nhận sẽ thanh toán số tiền gần 4 tỷ đồng tiền sử dụng hạ tầng khu công nghiệp, tiền dịch vụ công ích hạ tầng khu công nghiệp còn nợ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thu được đồng nào.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Thuế Bắc Kạn, đơn vị đã triển khai tất cả các biện pháp trong thẩm quyền nhằm thu nợ, như: cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản... đối với công ty nhưng vẫn không thu được. Cục Thuế đã kiến nghị tỉnh tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Công ty gần như không có hồ sơ gì chứng minh nguồn gốc, giá trị tài sản còn lại trên đất là rừng trồng. Việc thu hồi các khoản nợ của công ty đối với tỉnh Bắc Kạn sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả định giá, xử lý tài sản còn lại là rừng trồng của công ty. Cuối năm 2021, Bắc Kạn phê duyệt đề cương dự toán công trình “Xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất đã thu hồi của Công ty thuê tại huyện Chợ Mới”.
Đến tháng 7/2022, Bắc Kạn đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tháng 8/2022, Bắc Kạn sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu thực hiện thống kê, kiểm đếm, xác định thông tin về tài sản hiện có của công ty trên diện tích đất đã thu hồi.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, Công ty đã chấm dứt hoạt động tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tài sản của Công ty tại khu công nghiệp các ngân hàng đã phát mại. Bắc Kạn đã thu hồi toàn bộ đất của công ty tại khu công nghiệp và giao cho các công ty mua tài sản sau khi ngân hàng phát mại tài sản. Diện tích đất lâm nghiệp giao Công ty thuê tỉnh đã thu hồi toàn bộ do công ty vi phạm các quy định luật đất đai.
Hiện nay, các sở, ngành đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sớm xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến tài sản còn lại của công ty trên diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi.