Thiệt hại này để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, do vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND huyện Điện Biên ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất để người dân vùng lũ sớm phục hồi sản xuất, chủ động trong cuộc sống.
Đồng chí Lê Thành Đô cho biết: Thiệt hại xảy ra với Mường Pồn rất nặng nề, song với sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, các ngành và sự chung tay của cộng đồng, nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội trong và ngoài tỉnh đã giúp người dân vùng lũ thấy an tâm, ấm lòng.
Các gia đình bị thiệt hại về người, nhà ở, tài sản đều nhận được sự động viên, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần; các khó khăn, thiếu thốn trước mắt về: lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, nước sinh hoạt… đều được các ngành, các tổ chức hỗ trợ đã giúp người dân vùng lũ ổn định tinh thần, yên tâm với các phương án khắc phục đang được chính quyền địa phương nỗ lực triển khai.
Các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục thiệt hại về giao thông do lũ quét Mường Pồn. |
Song, với thiệt hại về sản xuất gồm hơn 80ha lúa ruộng, 16ha thủy lợi… là tư liệu sản xuất chính của người dân đã bị lũ quét "xóa sổ" thì việc khắc phục đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể làm ngay trong "một sớm một chiều".
Để hỗ trợ nhân dân vùng lũ khắc phục sản xuất, đồng chí Lê Thành Đô đã chỉ đạo huyện Điện Biên tiếp tục rà soát toàn bộ diện tích thiệt hại sau đó căn cứ thực tiễn để lựa chọn loại cây trồng phù hợp rồi hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Với các diện tích không thể khắc phục, huyện Điện Biên phải chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng để người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Ưu tiên lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sản xuất cho người dân.
Về phương án sắp xếp, ổn định dân cư vùng lũ quét, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô thống nhất lựa chọn 4 điểm tái định cư cho người dân, trong đó có 3 điểm chính tập trung thực hiện trước, gồm: Bản Tin Tốc, bản Lĩnh, Huổi Ké và 1 điểm dự phòng tại bản Mường Pồn 1, 2.
Tại điểm sắp xếp dân cư bản Lĩnh, Chủ tịch Lê Thành Đô giao các cơ quan chức năng và huyện Điện Biên phải nghiên cứu phương án chỉnh trị, thay đổi dòng chảy suối Nậm Pồn gắn với việc tính toán lưu lượng nước dòng suối dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai.
Đồng chí Lê Thành Đô lưu ý "khi xây dựng phương án chỉnh trị, thay đổi dòng chảy suối Nậm Pồn thì huyện Điện Biên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu về cảnh báo thiên tai tại khu vực xã Mường Pồn; khảo sát kỹ lưỡng, không chỉ tại địa điểm xây dựng công trình mà phải khảo sát rộng hơn, bảo đảm tính ổn định lâu dài.
Các cơ quan chức năng và huyện Điện Biên cần tính toán, xác định những vị trí cần xây dựng kè cứng chống sạt; những khu vực không thật sự cần thiết thì làm kè rọ thép để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư".
Về kinh phí, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Điện Biên chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ khẩn cấp của Trung ương (10 tỷ đồng), nguồn điều chỉnh dự án của huyện (5 tỷ đồng) và nguồn các đơn vị ủng hộ chưa có địa chỉ (hơn 7,3 tỷ đồng) để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Đối với phương án lâu dài, trên cơ sở đề xuất của huyện Điện Biên và kết quả rà soát, đánh giá lại của các cơ quan chức năng, đề nghị huyện Điện Biên và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất tham mưu cho tỉnh để báo cáo Trung ương trong thời gian sớm nhất.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam thăm, động viên các gia đình công nhân Công ty cổ phần Cao-su Điện Biên bị thiệt hại do lũ quét Mường Pồn. |
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã thông tin, vào đêm 24 rạng sáng 25/7 đã xảy ra lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên làm 4 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương; thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu, giao thông, thủy lợi… tại Mường Pồn lên tới hơn 175 tỷ đồng.