Bài học từ lũ quét ở Mường Pồn

Kể từ khi cơn lũ quét tràn về Mường Pồn vào rạng sáng 25/7 đến nay, người dân các bản Mường Pồn 1, bản Lĩnh, Tin Tốc, Huổi Ké vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh. Từng tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy cũng đủ gợi lại nỗi sợ hãi, đớn đau trong trái tim mỗi người.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét tại Mường Pồn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét tại Mường Pồn.

Lời kể của người dân vùng lũ

Trong hàng trăm con người đã và đang bị ám ảnh sau trận lũ quét ấy, có lẽ ông Cà Văn Luyến ở bản Mường Pồn 1 cảm nhận rõ hơn tận cùng nỗi đau mất người thân, nhà cửa trong phút chốc. Ông Luyến kể rằng: “Đêm hôm đó, quãng từ 12 giờ trời bắt đầu mưa liên tục không ngớt. Con trai tôi nằm trên giường kêu lạnh thì tôi bảo con đắp chăn ngủ tiếp đi. Đến hơn 2 giờ sáng, không ngủ được tôi ra ngoài hè ngồi hút thuốc lào. Lúc này tôi nghe thấy tiếng ầm ầm dội xuống, nhà của tôi đổ sầm sập, tôi gọi vợ con nhưng không có tiếng ai. Trời tối đen như mực, tôi không biết chạy chỗ nào vì đường nào cũng ngập đất và nước”.

Cùng cảnh mất hai người thân (là mẹ và em trai) do lũ quét trong đêm 24 rạng sáng 25/7, kể từ đó tới nay anh Sùng A Tồng ở điểm dân cư Huổi Ké (thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn) lại càng trầm lặng hơn. Nhiều ngày liền Sùng A Tồng chẳng nói một lời, anh cũng chẳng than… chẳng khóc mà lặng lẽ làm các việc tang ma cho mẹ, nhặt nhạnh đồ dùng còn sót lại để dùng. Hôm gặp Sùng A Tồng ở đội cao-su Mường Pồn, tôi lựa lời hỏi thăm thì Sùng A Tồng khẽ nói: “Nhà còn đông người, bố yếu rồi, các em còn nhỏ. Tôi phải cố gắng làm để lo cho bố và các em”. Nói rồi, Sùng A Tồng bước vội theo đường đồi ngược dốc về Huổi Ké. Đi sau Tồng là cậu em học lớp 7 gầy gò, đen đúa, chân bước lẩy khẩy như chực ngã.

Nhìn theo bóng Tồng cùng cậu em khuất dần cuối con đường mòn lở đất, ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Ccổ phần cao su Điện Biên, mới khẽ nói như chỉ để mình nói mình nghe: “Thiên tai làm người chết khổ, người sống cũng khổ. Hàng chục gia đình lâm cảnh chồng mất vợ; cha mất con, anh, em mất người thân. Rồi người sống lo sống cũng vất vả nhiều hơn!”.

Lời ông Tám khiến tôi nhớ con số 4 người chết, 3 người còn đang mất tích, 7 người bị thương và 20 gia đình ở các bản: Mường Pồn 1, bản Lĩnh, Tin Tốc bị mất người, mất của và lâm cảnh trắng tay sau lũ quét. Lũ quét Mường Pồn còn khiến gần trăm gia đình khác chẳng an yên vì nhà còn đó mà không dám ở, hàng trăm gia đình đối diện nguy cơ đói dài dài bởi ruộng xanh lúa tốt bời bời giờ ngập sâu dưới bùn đen sỏi đá. Thiệt hại về tài sản lên tới 175 tỷ đồng.

Bài học từ lũ quét ở Mường Pồn ảnh 1

Sau trận lũ quét, hàng trăm gia đình ở xã Mường Pồn lâm cảnh không nhà, không ruộng vườn sản xuất.

Nghĩ về sự chủ động ứng phó

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên vào sáng 5/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các thành viên đoàn công tác đều chung khẳng định: Điện Biên làm tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bằng tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”. Cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề ngay tại điểm lũ quét của Điện Biên cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác học tập. Do vậy, dù thiệt hại nặng nề nhưng việc khắc phục được thực hiện rất khẩn trương, thời gian ngắn.

Tuy nhiên, cũng từ sự việc lũ quét Mường Pồn vừa qua đã phần nào cho thấy hậu quả của việc thông tin, cảnh báo không kịp thời, không trọng điểm. Phó cục trưởng cứu hộ cứu nạn Trung ương Phạm Hải Châu nói rằng: Sau sự cố lũ quét Mường Pồn, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, hậu quả lũ quét có một phần do địa phương xác định khu vực trọng điểm nguy cơ cao lũ quét, lở đất chưa đầy đủ; phương thức báo động khi xảy ra tình huống thiên tai khẩn cấp cũng chưa được quan tâm cho nên khi lũ ập về người dân không biết chạy đường nào và cũng không biết chạy đi đâu. Chung nhận xét này, Vụ phó Nông nghiệp Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Cường thẳng thắn khẳng định, khâu thực hiện cảnh báo là kém nên dân vùng lũ bị động; cộng với tâm lý chủ quan ở vùng không có lũ lớn thế nên lũ về không biết chạy đi đâu!

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu thêm nguyên nhân do chủ quan ảnh hưởng thoát lũ. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói rằng: Ngay tại vùng lũ chúng ta nhìn thấy có cầu rồi mà vẫn để ngầm tràn nên khi nước về ngầm tràn lại trở thành đập giữ nước. Nhẽ là khi làm xong cầu thì ta phải chủ động phá bỏ ngầm tràn tạo đường thông cho dòng nước như thế dù có lũ cũng đỡ ảnh hưởng hơn. Việc cảnh báo các hiện tượng thiên tai do thời tiết cực đoan cũng chưa được quan tâm đúng mức, do vậy ngay tại Mường Pồn, người dân và chính quyền cơ sở cũng chủ quan, bị động. “Cảnh báo mưa trước 6 tiếng từ Trung tâm khí tượng quốc gia gần như đúng tuyệt đối, vậy thì trong 6 tiếng này địa phương chủ động cập nhật rồi thông báo đến người dân các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, lở đất thì chắc chắn hạn chế được thiệt hại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Nâng cao năng lực phòng tránh

Với mong muốn địa phương khắc phục ngay một số hạn chế trong phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do mưa bão, lở đất; đặc biệt là rút kinh nghiệm từ thực tiễn trận lũ quét ở Mường Pồn vừa qua, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Cục cứu hộ cứu nạn Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều chung đề nghị Điện Biên khẩn trương kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ thiệt hại do lũ quét, lở đất. Tại vùng lũ Mường Pồn cần rà soát tổng thể ngay các khu vực dân cư chung quanh đến các bản, dân cư dù chưa bị thiệt hại nhưng sẽ là vùng có nguy cơ cao vì thay đổi địa chất mạnh để cảnh báo, thông báo, báo động. Trong thời gian cao điểm những ngày mưa sắp tới, phải có kịch bản ứng phó theo từng cấp để khi xảy ra cấp nào cấp ấy đều chủ động vào việc.

Ngoài việc thông tin chủ động đến các cấp chính quyền, sở, ngành chuyên môn thì cần đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai đến nhân dân. Bởi hơn ai hết chính người dân cần chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình; và chính khi người dân chủ động thì chắc chắn thiệt hại giảm nhiều, áp lực với chính quyền địa phương cũng bớt nặng nề hơn. Vậy nhưng, để người dân chủ động thì địa phương phải coi trọng thông tin vùng nguy cơ cao trọng tâm, thông tin theo giờ và thống nhất phương thức báo động tình huống khẩn cấp. Việc báo động tình huống khẩn cấp cần thực hiện ngay tại mỗi khu dân cư theo một cách thức thống nhất, thuận tiện nhất để người dân dễ nhận biết ứng phó.

Nhấn mạnh thông tin dự báo trong tháng 8 có thêm hai đợt mưa rất lớn ở Điện Biên do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề cập, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, hai đợt mưa này sẽ là điều bất lợi trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai với Điện Biên. Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Điện Biên phải sát sao trong theo dõi diễn biến thời tiết; đặc biệt là thông tin cảnh báo mưa trước 6 tiếng để chủ động di dân khỏi vùng nguy cơ cao thiệt hại. Cùng với đó, Điện Biên cần rà soát toàn bộ các vùng, các điểm, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét, lở đất, trên cơ sở đó có kịch bản khung mẫu ứng phó trong từng tình huống cụ thể. Thông tin về dự báo thời tiết, dự báo nguy cơ thiên tai cần được truyền thông thường xuyên, kịp thời đến cán bộ, nhân dân; có như vậy mới nâng cao năng lực phòng tránh, sự chủ động từ mỗi người, mỗi cấp, mỗi ngành…

Qua rà soát, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 2.337 nhà; 478 ha đất sản xuất, hoa màu; 101 trụ sở, công trình nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, mưa bão, lũ quét và các hình thái thời tiết cực đoan.