Sớm khơi thông "điểm nghẽn" logistics

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế sôi động, có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước, nơi thực hiện phần lớn hoạt động giao thương với các nước trong khu vực, trên thế giới. Hoàn thiện hệ thống logistics là điều kiện tiên quyết để Đông Nam Bộ phát huy lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, trở thành vùng có khả năng cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Công nghiệp Minh Hưng III (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, Bình Phước) kết nối với cảng Cát Lái thông qua hai trục chính là Quốc lộ 13 và tuyến Mỹ Phước-Tân Vạn.
Khu Công nghiệp Minh Hưng III (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, Bình Phước) kết nối với cảng Cát Lái thông qua hai trục chính là Quốc lộ 13 và tuyến Mỹ Phước-Tân Vạn.

Với đường bờ biển dài cùng hệ thống sông ngòi lớn, nhỏ, Đông Nam Bộ không khó lựa chọn địa điểm để xây dựng cảng cũng như hình thành mạng lưới các tuyến đường thủy kết nối với đường bộ, đường sắt vào sâu nội địa, lan tỏa đến khắp các tỉnh trong vùng và cả nước.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những bước phát triển quan trọng về kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; khẳng định vai trò là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, dẫn đầu về phát triển công nghiệp, thu hút FDI và góp phần giúp Việt Nam từng bước trở thành "công xưởng" của thế giới, với nhiều dự án quy mô lớn, sản phẩm có thương hiệu trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận trên dưới 45% tổng khối lượng hàng hóa và khoảng 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng biển lớn như cảng Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải.

Tuy nhiên, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn và trở thành "điểm nghẽn" làm hạn chế sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa so với mặt hàng cùng loại cả về nông sản, lẫn may mặc của các nước trong khu vực.

Đánh giá về dịch vụ logistics của vùng Đông Nam Bộ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Phương (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, chi phí dịch vụ logistics còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp…

Các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Thực tế cho thấy, hiện nay hạ tầng giao thông đường bộ của vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và việc kết nối giữa đường sắt-đường bộ-đường thủy nội địa chưa chặt chẽ; thiếu tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Mặt khác, hạ tầng giao thông kết nối giữa các cụm cảng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của cảng biển và kinh tế-xã hội của khu vực…

Từ những khó khăn và hạn chế mà ngành logistics vùng Đông Nam Bộ đang gặp phải hiện nay, bài toán đặt ra cho các địa phương trong vùng là sớm xây dựng và áp dụng cơ chế để hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó cần có cơ chế điều phối vùng và cơ chế đối thoại thường xuyên, đột xuất giữa các bộ, ngành với các địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới để Đông Nam Bộ phát triển tương xứng với vai trò là "đầu tàu", "cực động lực" tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố phía nam và cả nước.