Sớm khởi động lại việc xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Sau hơn sáu năm khởi công, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quy mô 500 giường, tổng vốn đầu tư 1.727 tỷ đồng, đã chậm tiến độ hơn ba năm so với kế hoạch, hiện dừng thi công gần hai năm qua. Trong khi đó, bệnh viện cùng chức năng cũ ở Cần Thơ đang xuống cấp, quá tải, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân...
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới xây dựng xong phần thô nhưng dừng thi công gần hai năm qua.
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới xây dựng xong phần thô nhưng dừng thi công gần hai năm qua.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary hơn 80%, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Hiệp định vay vốn do Bộ Tài chính ký với đối tác Hungary, Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiệp định vay vốn (ký lần 2) đã hết hiệu lực từ tháng 10/2022 và phía đối tác Hungary không tiếp tục gia hạn nên công trình tạm dừng thi công. Đến nay, dự án mới hoàn thành hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công).

Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng hơn 16%. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn bố trí từ khởi công đến nay chỉ gần 342,3 tỷ đồng, đạt 22,77%. Trong đó, nguồn vốn ODA giải ngân hơn 272 tỷ đồng, đạt 21,48%; vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ giải ngân hơn 70,2 tỷ đồng, đạt 25,39% kế hoạch. Dự án bệnh viện chỉ mới hoàn thành thi công phần thô, chưa lắp đặt thiết bị y tế (hơn 725 tỷ đồng). Công trình phơi mưa, nắng trong thời gian dài, vật liệu xây dựng để ngoài trời, trước sân bệnh viện... có dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm chất lượng.

Nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do vướng mắc về hợp đồng thương mại giữa chủ đầu tư dự án là Sở Y tế thành phố Cần Thơ và nhà thầu chính Hungary. Theo Sở Y tế Cần Thơ, quá trình triển khai dự án, thành viên đứng đầu liên danh nhà thầu là VMD Kórházi Technológiai Zrt (Hungary) liên tục đề xuất điều chỉnh trang thiết bị y tế chuyên dùng vật liệu và thiết bị xây dựng. Điều này dẫn đến không bảo đảm tỷ lệ 50% hàng hóa xuất xứ Hungary theo quy định của hiệp định khung được ký kết giữa Chính phủ hai nước nên phải đàm phán, điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện.

Cùng với đó, người có trách nhiệm của nhà thầu chính không thường xuyên có mặt để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, trong khi đại diện chủ đầu tư thì chưa có kinh nghiệm dẫn đến chậm trễ, kéo dài. Riêng lô hàng 71 container vật liệu xây dựng, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu phía nhà thầu gửi hồ sơ, chứng từ gốc để hoàn tất thủ tục đăng ký kiểm tra về chất lượng theo quy định pháp luật và quyết toán phần này nhưng chủ đầu tư gặp khó khăn, nhà thầu thiếu thiện chí hợp tác.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Cao Hoàng Anh cho biết thêm, Sở đã thuê công ty kiểm toán độc lập để tính toán những hạng mục đã thực hiện, từ đó quyết toán với các đơn vị liên quan. Khi có kết quả kiểm toán, chủ đầu tư sẽ hoàn lại nguồn vốn tạm ứng khoảng 10 triệu euro cho Chính phủ Hungary. Hiện, thành phố Cần Thơ đang tìm nguồn vốn trong nước để tiếp tục thực hiện công trình này, có thể từ nguồn tài trợ hoặc ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất phương án xin vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn đối ứng địa phương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công việc còn lại và đang chờ phản hồi của các bộ, ngành, Chính phủ...

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc chậm trễ trong xây dựng bệnh viện này không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư cần sớm tìm phương án khả thi khởi động lại dự án và sớm hoàn thành bệnh viện quan trọng này để đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.