Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển này có tổng kinh phí gần 351,5 tỷ đồng; trong đó, vốn do EU tài trợ khoản 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực Miền Trung – EVNCPC.
Ban quản lý Dự án điện nông thôn Miền Trung (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, đến thời điểm ngày 11-8, gói thầu CPC-NC-EPC (cáp ngầm 22kV) đã được thi công và thí nghiệm đạt kết quả; các vị cáp đưa lên hai đầu bờ tại đảo Nhơn Châu và thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh đã hoàn thành.
Theo kế hoạch, đến ngày 15-8 này, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục và đóng điện phục vụ cho đảo Nhơn Châu.
Tuy nhiên việc thi công đường dây dẫn 22kV trên đất liền thuộc địa phận thị xã Sông Cầu để đấu nối vào tuyến cáp ngầm bị chậm trễ, nên dự án không thể hoàn thành như mục tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện nông thôn Miền Trung cho biết, quá trình thi công các hạng mục ngăn xuất tuyến 22kV tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gặp khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể đoạn tuyến đường dây 22kV bắt đầu từ TBA 110kV Sông Cầu đi qua các xã Xuân Bình, Xuân Hải, Xuân Cảnh và tiếp biển tại thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, ảnh hưởng đến bảy tổ chức và 235 hộ dân. Tại các vị trí đất liên quan đến khoảng cột VT137-138; khoảng cột VT167-168 và các vị trí 150 và 186, các hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng vì cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng; có hộ dân đang giao dịch bán đất nên chưa đồng ý cho đơn vị thi công dựng cột.
Ông Trần Văn Sùng, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu là một trong những hộ dân có đất bị ảnh hưởng chưa nhận đền bù cho biết, việc đền bù cho người dân phải có sự thỏa thuận của hai bên là chủ hộ và nhà đầu tư. Người dân cũng mong muốn các bên thống nhất giá. Bên cạnh đó, đơn vị thi công phải cam kết việc làm đường dây điện bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến công trình và cuộc sống của người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện nông thôn Miền Trung, Ban đã làm việc với các hộ dân để dịch chuyển một số vị trí móng trụ nhằm hạn chế số hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có những vị trí người dân không đồng ý cho kéo dây.
Về phía địa phương thị xã Sông Cầu thì cho rằng, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng là do vướng mắc về thủ tục; chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế so với ban đầu, nên cần có thời gian địa phương xác định nguồn gốc đất để hoàn thành các thủ tục đền bù theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Sông Cầu cho biết, hiện nay, xã Xuân Hải và Xuân Cảnh chưa đủ điều kiện xét nguồn gốc sử dụng đất. Một số hố móng, trụ điện được đơn vị thi công sai với vị trí thiết kế ban đầu nên dẫn đến việc khó xét nguồn gốc đất. Trung tâm đã đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh lại. Trên cơ sở điều chỉnh này, Trung tâm mới kiểm kê, kiểm đếm, xác nhận lập phương án đền bù.
Ban quản lý Dự án điện nông thôn Miền Trung cần phối hợp chặt chẽ các địa phương các xã thuộc thị xã Sông Cầu đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành các hạng mục, sớm đưa dự án cung cấp điện phục vụ quốc kế dân sinh cho xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn.