Sớm gỡ vướng trong cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm cho người dân

Cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh từ chối cấp phép xây dựng các công trình xây dựng có tầng hầm gần một năm nay nhưng chưa có hướng tháo gỡ. Việc không cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, gây quá tải hồ sơ cho thành phố, quận, huyện trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các công trình xây dựng có tầng hầm đang bị ngưng cấp phép xây dựng.
Các công trình xây dựng có tầng hầm đang bị ngưng cấp phép xây dựng.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do trước đó một số địa phương trên địa bàn thành phố bị Thanh tra Bộ Xây dựng nhắc nhở vì đã cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ khi Thành phố Hồ Chí Minh chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị…

Các động thái gỡ vướng

Thành phố Hồ Chí Minh ngừng cấp phép trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tầng hầm trong công trình nhà ở riêng lẻ của người dân rất lớn, nhất là ở các quận trung tâm. Ðể tháo gỡ vướng mắc, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp, nghe ý kiến nhiều sở, ngành, quận, huyện.

Mới đây nhất, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Xây dựng đề xuất hình thức ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết hồ sơ cấp giấy phép xây dựng cho người dân và doanh nghiệp; giao cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc tham mưu, bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm các công trình có tầng hầm (phần ngầm công trình) vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu Trung tâm hiện hữu thành phố (930 ha); bổ sung quy định quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại các Quyết định đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 và tỷ lệ 1/2.000, làm cơ sở pháp lý để đồng bộ phần xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch.

Trong đó, thành phố ưu tiên tháo gỡ đối với hai nhóm: Nhóm các khu vực, dự án đã có quy hoạch xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc phải thực hiện lập (hay bổ sung) quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 (quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn), để có cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình có tầng hầm, bao gồm các dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; và các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao. Nhóm các khu vực dân cư hiện hữu không có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, để có cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng trong thời gian rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy định quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm, cho phép các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố được xây (tối đa) một tầng hầm để xe hoặc kỹ thuật (không bố trí phòng để ở và chức năng khác).

Ðối với các dự án đầu tư công trình xây dựng (thuộc trường hợp phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng), thành phố được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được thẩm định, phê duyệt (tối đa) một tầng hầm trên cơ sở có ý kiến thống nhất của các sở, ngành liên quan.

Ðối với các dự án đầu tư xây dựng công trình từ hai tầng hầm trở lên: việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng phải phù hợp với quy định quản lý quy hoạch không gian ngầm của đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc đồ án quy hoạch chung xây dựng không gian ngầm Thành phố Hồ Chí Minh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng các dự án đầu tư xây dựng công trình có tầng hầm mang tính cấp bách, Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (điều chỉnh tổng thể, cục bộ hoặc bổ sung nội dung quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị) làm cơ sở lập quy hoạch chỉ tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch tổng mặt bằng.

Câu chuyện nhìn từ Bình Dương

Có thể thấy, nhiều giải pháp đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhưng từ tháng 10/2023 đến nay, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng với công trình có tầng hầm đều bị ngừng tiếp nhận. Ðiều đáng quan tâm, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng bị Thanh tra Bộ Xây dựng nhắc nhở như Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn ngưng cấp phép, để gỡ vướng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Dĩ An. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An phê duyệt điều chỉnh bổ sung tầng ngầm cho các quy hoạch phân khu. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu xây dựng công trình có tầng hầm tiếp tục được cấp phép. Thực ra, tỉnh Bình Dương đã vận dụng Khoản 2, Ðiều 10, Nghị định 39/2010/NÐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ quy định về quản lý không gian ngầm đô thị.

Theo đó, đối với các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt hoặc trong trường hợp có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình ngầm nhưng chưa được xác định trong đồ án quy hoạch được duyệt, việc tiến hành lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Như vậy, Bình Dương căn cứ vào quy định đã có, đã trao quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết hồ sơ cho người dân mà không phải mất nhiều thời gian để xin ý kiến các bộ, ngành trung ương.

Theo Luật sư Bùi Lương (Văn phòng Luật Hưng Yên), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 (ban hành ngày 24/6/2023) để trao cho Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế, thẩm quyền để có thể tự quyết, tự chịu trách nhiệm nhằm phát triển thành phố. Trong vướng mắc cấp phép xây dựng cho các công trình có tầng hầm, thành phố hoàn toàn có thể vận dụng những quy định, cơ chế đã có để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Bởi mỗi ngày qua đi, mỗi một công trình không thể triển khai đã gây ra thiệt hại to lớn cho người dân, doanh nghiệp; bên cạnh đó, là gián tiếp dẫn đến thất nghiệp, mất việc làm của hàng chục, thậm chí hàng trăm người lao động.