Đã hơn hai tuần qua, cuộc sống của 88 hộ dân tại bản Giáng, xã Chiềng Đen, bị đảo lộn bởi nước ngập úng dâng cao tràn vào nhà, gây ngập các công trình sinh hoạt và các tuyến đường. Khắp bản, đâu cũng thấy nước kèm theo rác thải, chất thải trong chăn nuôi và chất thải từ các công trình vệ sinh. Để bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt và đưa đón con trẻ đi học, các hộ dân nơi đây phải làm bè tre hay cầu tre.
Chỉ tay về phía sân bóng của bản bị ngập nước hơn 10 ngày qua, anh Lù Văn Hải, Trưởng bản Giáng, kể: Mấy hôm nay, nước vẫn đang dâng lên, không thấy rút. Mặc dù mới khoảng 40 hộ bị nước ngập vào nhà và các công trình sinh hoạt nhưng tình trạng ngập kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt, lao động sản xuất của cả 88 hộ trong bản. Đáng chú ý tình trạng ngập úng sau mưa đã xảy ra ba năm nay rồi. Mặc dù xã, bản đã kiến nghị lên trên, có nhiều đoàn tới khảo sát, kiểm tra nhưng vẫn chưa thấy đưa ra được giải pháp nào hiệu quả để giải quyết.
Nằm cách nhà Trưởng bản chừng 30m là nhà ông Lù Văn Chanh và bà Quàng Thị Hặc, một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng ngập úng sau mưa. Hơn hai tuần qua, gia đình ông bà cùng các hộ trong bản phải di dời hết vật dụng dưới bếp và dưới gầm sàn lên trên cao. Việc đi lại phải dựa vào chiếc bè tre, nếu không đi bè thì phải đầm mình dưới nước ngập đến gần ngực. Ông Lù Văn Chanh chia sẻ: Hôm qua phải nhờ anh em trong bản đến làm tạm cho một gian bếp ở sàn trên để nấu ăn và sinh hoạt tạm. Bởi nước vẫn tiếp tục dâng cao mỗi ngày bằng chiều cao một viên gạch dựng đứng. Hiện nước đã ngập tràn hết sân bóng của bản và còn cách nhà Trưởng bản chừng 3m. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn hết. Gia đình tôi có gần 10ha trồng ngô, cà-phê, hai tuần nay không thu hoạch được do nước ngập.
Qua tìm hiểu, tình trạng ngập úng bắt đầu xảy ra từ năm 2018. Trước đây, mưa to kéo dài hằng tháng trời cũng không bao giờ xảy ra ngập úng. Ông Lò Văn Lẻ, người đã sống gần 60 năm ở bản Giáng, kể: "Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lắm rồi, rất mong mỏi các cấp của thành phố Sơn La quan tâm giải quyết khó khăn này giúp người dân. Như gia đình nhà tôi có 7ha trồng ngô, cà-phê cũng chưa thu hoạch được; trong đó, cơ bản diện tích cà-phê chín rụng bị ngập hết trong nước và hơn 300kg cá cũng theo nước mất hết rồi".
Trao đổi thêm với những người cao tuổi trong bản Giáng, được biết: Nguyên nhân gây ngập úng là do hang cát-tơ phía cuối bản bị tắc, cộng với mấy ngày vừa qua mưa liên tiếp, nước không thoát được. Như những năm trước, dù mưa to kéo dài thì nước vẫn thoát hết qua hang cát-tơ nhưng khoảng ba năm trở lại đây, mỗi lần xảy ra tình trạng ngập úng là kéo dài vài tháng nước mới rút hết. Nhiều hộ trong bản phải di chuyển đàn vật nuôi lên ở chuồng tạm phía trên cao hay thay đổi toàn bộ sinh hoạt hằng ngày lên những vị trí cao để bảo đảm vệ sinh.
Khu vực bản Giáng bị ngập trong nước hơn hai tuần qua. |
Không chỉ gây đảo lộn mọi sinh hoạt của các hộ dân trong bản, tình trạng ngập úng còn gây mất vệ sinh môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn hai tuần qua, nước mưa tràn về đã gây ngập úng hết các công trình vệ sinh, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm của hơn 40 hộ trong bản; kéo theo nhiều rác thải từ các nơi đổ về nên nhiều khu vực trong bản có mùi khó chịu. Chị Hoàng Thị Lương cho biết: "Toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh, công trình nhà tắm và phía dưới gầm sàn của gia đình tôi đã bị ngập hết. Chúng tôi phải đi tắm giặt, vệ sinh nhờ nhà khác ở trên cao, chưa bị ngập nước. Nước mà cứ dâng theo từng ngày như thế này thì phải tính đến việc ăn, ngủ nhờ".
Lãnh đạo xã Chiềng Đen cho biết: Giải pháp trước mắt là xã đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ lực lượng giúp bà con, nhất là các hộ trong diện ngập nặng di chuyển người, tài sản lên nơi an toàn, hướng dẫn cách sinh hoạt hằng ngày bảo đảm vệ sinh; khuyến cáo người dân không cho con em mình tự ý đi lại hay bắt cá khu vực ngập úng sâu. Xã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La, cho biết: Thành phố đã giao Ban quản lý dự án thuê đơn vị khảo sát tư vấn thiết kế lập dự toán cụ thể, nghiên cứu giải pháp tối ưu nhất để khắc phục triệt để tình trạng ngập úng này. Trước mắt đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố phối hợp ngành y tế tỉnh đến tận nơi, hướng dẫn người dân phòng, chống ô nhiễm môi trường và phát thuốc phòng dịch bệnh cho các hộ dân; đồng thời, vận động người dân các bản lân cận chung tay giúp các hộ bị ngập di chuyển tài sản lên trên cao và hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với những hộ nằm ở khu vực dưới thấp, nguy cơ cao bị ảnh hưởng mưa lũ, thành phố đã yêu cầu xã tuyên truyền, vận động di chuyển lên vị trí cao tại các khu đất của bản và của gia đình người thân.