Sớm đưa công trình thủy lợi Bản Mồng vào hoạt động

Do vướng mắc về thủ tục, nên sau 13 năm kể từ ngày khởi công, đến nay công trình đại thủy lợi Bản Mồng nằm ở phía tây bắc Nghệ An vẫn chưa thể hoàn thành. Không chỉ đội vốn do thi công kéo dài, điều quan trọng hơn là công trình chậm ngày nào sẽ gây thiệt hại, lãng phí lớn ngày đó.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án thủy lợi Bản Mồng chưa thể tích nước hoạt động.
Dự án thủy lợi Bản Mồng chưa thể tích nước hoạt động.

Đến nay công trình vẫn chờ giải quyết thủ tục để hoàn thành nốt những phần việc còn lại, do đó rất cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành cùng sự đồng hành của địa phương trong giải quyết các vướng mắc liên quan để sớm đưa công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh đi vào sử dụng nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đất giàu tiềm năng theo mục tiêu Nghị quyết 26-Bộ Chính trị đã đề ra cho tỉnh Nghệ An.

Công trình xuyên thập kỷ

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (gọi tắt là Ban 4) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) làm chủ đầu tư. Đây là công trình trọng tâm - cấp 1 của Bộ NN và PTNT nằm ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công trình sẽ là một “kho” nước dự trữ lớn nhất Nghệ An lên đến 235 triệu m3, tưới cho hàng vạn héc-ta đất vùng trung du dọc quốc lộ 48, quốc lộ Hồ Chí Minh, đánh thức và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp miền tây Nghệ An, phát điện công suất 45 MW, cắt lũ cho hạ du sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt...

Giám đốc Ban 4 Hoàng Xuân Thịnh cho biết: Khi triển khai công trình, đơn vị đối mặt với một loạt khó khăn, nhất là nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, các giải pháp thi công và biến đổi khí hậu. Được khởi công xây dựng năm 2010, do khó khăn về nguồn vốn, công trình buộc phải giãn tiến độ, đến năm 2017, mới được cấp vốn trở lại để thi công giai đoạn 1 của dự án. Tuy nhiên, do ý nghĩa to lớn của công trình này nên dự án được Bộ NN và PTNT quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo, giải pháp về thiết kế, thi công hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Ban đầu, dự kiến phải di dời, tái định cư khoảng 1.265 hộ dân.

Nhận thấy dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn về xã hội, lãnh đạo Bộ NN và PTNT cùng các đơn vị thuộc bộ, các chuyên gia và Ban 4 nghiên cứu các giải pháp công trình để giữ được 585 hộ ở xã Châu Bình, giải pháp cao trình di dân hợp lý, đến nay chỉ còn 220 hộ phải di dời, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Ban 4 đã đề xuất phương án và được chấp nhận làm ngầm qua kênh dẫn dòng nhằm đưa phương tiện máy móc cùng vật tư vào phục vụ thi công hố móng đập chính kịp thời; điều chỉnh diện tích giải phóng mặt bằng ở đầu cầu qua kênh dẫn dòng xuống chỉ còn 10% so với diện tích trước đây cùng phương án kỹ thuật đi cùng…

Sớm giải quyết các vướng mắc

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Theo báo cáo, Dự án có vốn đầu tư ban đầu là 4.455 tỷ đồng. Hơn 14 năm qua, đời sống người dân bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không ổn định, không xây dựng đường giao thông, trường học, trạm xá do thuộc diện di dời.

Hơn 14 năm qua, đời sống người dân bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không ổn định, không xây dựng đường giao thông, trường học, trạm xá do thuộc diện di dời.

Do tầm quan trọng của công trình thủy lợi này đối với việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho miền tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị nên dự án nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ; lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa cùng các ban, ngành, địa phương liên quan.

Tháng 3/2021, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì đã đi thực địa và làm việc với hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Bộ NN và PTNT đã làm rõ phần khối lượng, kinh phí phát sinh cần bổ sung. Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo Quốc hội số 07/BC-UBKHCNMT15 ngày 22/7/2021, trong đó đã đề cập về dự án hồ chứa nước Bản Mồng cần bổ sung tăng thêm 1.574 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi định mức quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng, về bồi hoàn rừng và xử lý các vấn đề phát sinh do thiên tai, trượt giá...

Cụ thể, do dự án đã được phê duyệt từ năm 2009 (cách đây đã 13 năm), các chế độ, chính sách, định mức, đơn giá, cũng như khối lượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi.

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT: Đây là dự án nhóm A. Theo quy định của Luật đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền quyết định dự án thuộc Bộ trưởng Bộ NN và PTNT. Để tiếp tục triển khai hoàn thành giai đoạn 1, dự án cần phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 1.574 tỷ đồng.

Về hồ sơ trình điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, Bộ NN và PTNT đã rà soát, hoàn thiện, xin ý kiến các bộ ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, lần gần nhất tại Văn bản số 3780/BNN-XD ngày 14/6/2022. Về số vốn tăng thêm này, Bộ NN và PTNT đã bố trí đủ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn tại Quyết định 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021. Như vậy, dự án giai đoạn 1 đã đủ điều kiện về nguồn vốn.

Tại Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An tháng 7 năm 2022, liên quan đến dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, Thủ tướng đã có kết luận như sau: Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý, thẩm quyền và nhu cầu thực tế cần xử lý đối với các dự án tương tự, thống nhất phương án phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Hồ thủy lợi Bản Mồng là công trình thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía tây của tỉnh. Đến nay, dự án thi công cơ bản xong công trình đầu mối hồ chứa nhưng vẫn chưa hoàn thành, do chưa giải phóng được mặt bằng lòng hồ nên chưa tích nước. Việc sớm tháo gỡ hồ sơ pháp lý để hoàn thành và đưa hồ thủy lợi Bản Mồng vào hoạt động sẽ phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương liên quan.