Sớm chấn chỉnh hoạt động chế biến gỗ tại Bắc Kạn

Là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, trong đó có khoảng 100.000ha rừng trồng, Bắc Kạn có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp này đang khá lộn xộn với nhiều cơ sở tự phát, không giấy phép và làm lãng phí nguồn gỗ nguyên liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất ván dán tại Khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh HƯƠNG LAN)
Sản xuất ván dán tại Khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh HƯƠNG LAN)

Thống kê của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn cho thấy, sản lượng gỗ khai thác từ năm 2016 đến 2021 đạt hơn 1.100.000m3 nhưng tỷ lệ gỗ chế biến chỉ chiếm hơn 34%; sản lượng gỗ xẻ, gỗ bóc chỉ đạt hơn 400.000m3. Có nghĩa là, phần lớn gỗ nguyên liệu “chảy ra” khỏi tỉnh và việc chế biến ván bóc phát triển tràn lan, khó quản lý, gây thất thu thuế.

Nhiều cơ sở tự phát

Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ ở Bắc Kạn quy mô cá thể, hộ gia đình. Với số tiền đầu tư máy móc không quá lớn, mỗi cơ sở có thể sản xuất trung bình từ 80-100m3 ván bóc/tháng, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Tại nhiều cơ sở, công tác bảo hộ lao động chưa được tốt, người lao động đều không qua đào tạo kỹ năng vận hành máy móc chủ yếu tự mày mò. Công nhân tại các xưởng gỗ đều là lao động làm theo mùa vụ nên việc không ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cũng như thiếu trang bị bảo hộ.

Việc quản lý yếu kém của các cấp chính quyền, trong khi lợi nhuận từ chế biến gỗ cao đã xảy ra tình trạng ồ ạt “mọc” lên các cơ sở chế biến mới, bất chấp quy định của pháp luật. Tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) thời gian qua đã có tới 11 tổ chức và hai cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch để xây dựng các nhà xưởng chế biến gỗ không giấy phép. Các tổ chức này có hành vi hủy hoại hơn 78.600m2 đất. Các cá nhân, tổ chức này còn tự ý chuyển mục đích sử dụng hơn 88.800m2 đất trồng cây lâu năm, rừng sản xuất, đất ở nông thôn, đất bằng trồng cây hằng năm khác, đất lúa...

Việc chủ yếu sản xuất ván bóc, có thể tiêu thụ gỗ nguyên liệu đủ kích cỡ đã và đang đe dọa tới rừng gỗ nguyên liệu non tuổi. Việc cấp phép hoạt động các cơ sở chế biến ván bóc tràn lan, thiếu quy hoạch, dẫn tới số lượng xưởng chế biến quá nhiều làm tình trạng tranh mua, đẩy giá lên khá cao. Chu kỳ khai thác rừng trồng là 8 năm, nay được trả giá tốt nên nhiều hộ khai thác cả gỗ 4-5 tuổi. Đây là hình thức “bán lúa non” khiến cho chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng mà chủ rừng cũng thiệt hại vì thời điểm này cây đang phát triển mạnh, sinh khối lớn.

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, tại địa phương này hiện đang có gần 264 cơ sở chế biến gỗ, trong đó, chỉ có 8 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án. Còn lại có quy mô nhỏ, sản xuất đồ mộc gia dụng, đặc biệt có đến 158 cơ sở sản xuất ván bóc, dăm gỗ.

Mặc dù cơ sở chế biến nhiều nhưng số thu thuế từ công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Kạn lại rất thấp. Tổng số nộp ngân sách của các cơ sở chế biến gỗ năm 2019 được hơn 1,1 tỷ đồng; năm 2020 hơn 2,1 tỷ đồng; năm 2021 hơn 5,3 tỷ đồng. Việc thực hiện các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ của các cơ sở này còn nhiều hạn chế, gây thất thu thuế, chủ yếu nộp thuế theo hình thức hộ khoán.

Hiện nay các cơ sở sản xuất ván bóc ở Bắc Kạn đang tiếp tục gia tăng về số lượng. Tại Khu công nghiệp Thanh Bình có 4 dự án, nhà máy sản xuất ván dán nhưng chỉ thu mua được 50% nhu cầu nguyên liệu ván bóc trên địa bàn. Các nhà máy ván dán không thu mua được hết sản lượng ván bóc này vì quy cách, chất lượng không đáp ứng điều kiện. Đối với các nhà máy ván dán xuất khẩu thì càng không thể mua vì phần lớn ván bóc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đây là một thực trạng đáng báo động vì việc khai thác gỗ tròn ồ ạt để sản xuất ván bóc sẽ khiến nguồn nguyên liệu phục vụ các cơ sở ván dán trên địa bàn tỉnh thiếu hụt trong những năm tới, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các dự án đầu tư.

Sớm chấn chỉnh

Qua điều tra, rà soát, Sở Công thương Bắc Kạn nhận định việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ đang tràn lan, thiếu quy hoạch. Hoạt động khai thác, chế biến quy mô nhỏ lẻ, chưa đa dạng về sản phẩm, chủ yếu là dạng sơ chế, như: ván mỏng (ván bóc), dăm mảnh, thanh gỗ xẻ...

Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường đối với các cơ sở chế biến gỗ còn nhiều yếu kém. Qua rà soát 8 cơ sở chế biến gỗ tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) thì nhà xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng, lắp đặt trên đất trồng cây lâu năm, hằng năm và đất nông nghiệp, chỉ một phần diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền. Các cơ sở này chưa có hồ sơ xây dựng, thiết kế nhà xưởng theo quy định. Địa phương chưa nắm được hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến gỗ, không theo dõi được số liệu sản xuất thực tế để phục vụ công tác tính toán tăng trưởng.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ sản lượng gỗ được chế biến so với sản lượng gỗ khai thác cũng chiếm tỷ lệ thấp, cao nhất là năm 2019 là 53,9%, đang có xu hướng giảm trong năm 2020 là 46,1%, năm 2021 là 34,4%. Lượng gỗ chưa qua chế biến xuất ra ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao trong khi nhu cầu về nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong tỉnh là rất lớn.

Thực tế, đây là vấn đề không mới và đã được UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, qua một năm tình hình vẫn không có nhiều biến chuyển, thậm chí còn “mọc” lên thêm nhiều cơ sở chế biến không giấy phép.

Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn Hoàng Hà Bắc cho biết, qua rà soát, đánh giá, ngành kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo tăng cường công tác hướng dẫn, phối hợp UBND các huyện thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường đối với các cơ sở chế biến gỗ, không để tình trạng các cơ sở sản xuất ván bóc phát triển tự phát như hiện nay.

Trước việc “mọc” lên nhiều cơ sở chế biến gỗ không phép ở huyện Chợ Mới, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đã quyết định chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường... tại xã Quảng Chu. Đây là điều được các cơ sở chế biến gỗ chấp hành nghiêm quy định pháp luật rất ủng hộ, chờ đợi kết quả xử lý nghiêm minh, tạo sự công bằng.

Để chấn chỉnh, khắc phục thất thu thuế, cuối tháng 11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã ký ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu ổn định từ hoạt động chế biến gỗ; thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào hoạt động chế biến gỗ tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách; thực hiện tốt công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, điều cần làm nhất hiện nay với tỉnh Bắc Kạn là chấn chỉnh, khắc phục ngay đối với những cơ sở chế biến gỗ tự phát, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch trong phát triển cũng như sử dụng hiệu quả nguồn gỗ nguyên liệu và không bị thất thu thuế.