Theo phản ánh của người dân, từ khi thi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn gần nút giao IC3, đã làm cho đường kênh thủy lợi là đường dẫn nước tưới tiêu duy nhất của bà con bị tắc, khiến nhiều cây ăn trái tại một số vườn bị chết. Mặc dù vụ việc được phản ảnh đến chính quyền xã, huyện, nhưng hơn 1 năm trôi qua vẫn chưa có chủ vườn nào được giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại.
Hậu Giang: Chủ đầu tư đồng ý hỗ trợ phần lúa bị thiệt hại cho nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Phước ở ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, đầu năm 2023, khi đơn vị thi công đào nền đường bơm cát, đường dẫn nước vào 5 công (sào) vườn trồng mít của ông bị tắc từ đó.
“Phía trước vườn cây là nhà dân liền kề, phía sau là công trình đang thi công. Mùa khô thì không lấy nước được vào vườn, mùa mưa thì nước ứ đọng không thể tiêu thoát, không cây trồng nào sống nổi trong điều kiện như vậy. Nông dân chúng tôi xót xa nhìn cây chết dần. Vườn mít xanh tốt ngày nào, giờ chỉ còn lại cành khô trơ trọi”, ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Giàu cũng ở ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, kể, trước đây, với vườn mít của mình, mỗi năm bà thu về từ 200-400 triệu đồng (tùy giá thị trường). Kể từ khi vườn cây bị thiệt hại, từ năm trước đến nay, bà mất thu nhập, phải đi làm thuê kiếm sống. Dù nhiều lần phản ánh lên Ủy ban nhân dân xã Đông Phước A và Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, nhưng từ năm 2023 đến nay chưa nhận được hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Giàu mong sớm nhận được bồi thường, hỗ trợ đối với phần cây trồng đã thiệt hại, còn phần đất trong nút giao thì sớm mở đường dẫn nước vào để bà con canh tác. Nhiều tháng trôi qua, đất của bà bỏ trống, không có nguồn thu. Dù rất muốn tạo lại vườn cây nhưng không có đường dẫn nước thì cũng bất lực.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Học cũng ở ấp này có 500 cây cam sành nằm trong nút giao IC3 và 250 cây cam sành nằm ngoài nút giao đã bị thiệt hại hoàn toàn do ảnh hưởng trong quá trình thi công đường cao tốc vì vườn cây không có đường dẫn và thoát nước.
Ông Nguyễn Văn Học đã đốn bỏ vườn cam sành bị chết. |
“Vào thời điểm bị thiệt hại, các cây cam sành đều được 6 năm tuổi, mỗi năm thu hoạch từ 11-12 tấn trái, nhưng gần 2 năm nay không thu được trái nào hết. Tôi và bà con có vườn cây bị thiệt hại nơi đây mong muốn ngành chức năng sớm xem xét hỗ trợ, bồi thường số cây trồng bị chết để bà con ổn định cuộc sống. Về lâu dài, cần tạo các đường tiêu thoát nước để bà con sớm khôi phục lại sản xuất”, ông Nguyễn Văn Học kiến nghị...
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Đông Phước A, có tổng cộng 24 hộ nhà vườn bị chết cây trồng do thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, trong đó, đoạn đi qua ấp Long Lợi A có 23 hộ và 1 hộ ở ấp Phước Hòa A.
Tổng diện tích vườn cây bị ảnh hưởng là 55.753m2, trong đó có 10.305 cây mít (từ 3 đến 6 năm tuổi); 120 cây dừa; 120 cây cau; 26 cây măng cụt; 250 cây cam sành; 1.000 bụi sả; 11.500 cây mai…
Theo ông Nguyễn Long Du, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, việc thi công đóng cọc cầu Ngã Cạy, ấp Phước Hưng và cầu Cái Nhum, ấp Long Lợi A thuộc Dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng Đường cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, đã làm nứt tường nhà của 11 hộ dân, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình và việc thi công làm vỡ đê gây thiệt hại hoa màu, cây trồng, ao nuôi cá của 14 hộ dân.
Mặc dù chưa giải quyết xong nhưng đơn vị thi công (Công ty 36 – CTCP) đã phối hợp khá tốt với địa phương trong việc cam kết khắc phục, cũng như báo cáo chủ đầu tư mời công ty bảo hiểm thẩm định mức thiệt hại nứt nhà để có hướng bồi thường, hỗ trợ cho dân.
Đối với thiệt hại vườn cây của 24 hộ dân do thi công làm tắc đường dẫn nước, ngành chức năng địa phương đã phối hợp cơ quan có liên quan của huyện Châu Thành đến khảo sát hiện trường và thống kê, lập biên bản về số hộ, cây trồng bị thiệt hại để làm việc với đơn vị có liên quan nhằm xem xét đền bù, hỗ trợ cho người dân.
Bơm cát thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn gần nút giao IC3 đi qua ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A. |
Địa phương đã báo cáo tình hình thiệt hại cây trồng của bà con về huyện và huyện cũng đã báo cáo về tỉnh cũng như thông tin đến đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ Thuật VNCN E&C) để báo cáo với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết cho người dân.
Ông Nguyễn Long Du cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện có văn bản kiến nghị Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh, Ủy ban nhân tỉnh sớm làm việc, yêu cầu Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đơn vị thi công khẩn trương thẩm định, có bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại về cây trồng và làm nứt tường nhà làm giảm tuổi thọ công trình.
Đồng thời, sớm khắc phục các vị trí sạt lở do thi công; gia cố đê bao ở các vị trí thi công, không để nước tràn gây làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đời sống của nhân dân trong thời gian tới”.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các ngành chuyên môn của tỉnh rà soát, tính toán phương án giải quyết vấn đề phát sinh liên quan đến đường kênh dẫn nước và đường dân sinh trong quá trình thi công 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, trong đó có cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Điều này cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân khi có vấn đề phát sinh trong quá trình thi công dự án.
Thực tế cũng cho thấy, đối với những vườn cây bị thiệt hại do ách tắc đường dẫn nước, cần có sự phối hợp, trách nhiệm của đơn vị thi công, chủ đầu tư và chính quyền địa phương nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc như kế hoạch đề ra, đáp ứng kỳ vọng của người dân, bảo đảm đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình giao thông trọng điểm quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...