Sớm ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo

NDO -

Việc ban hành quy định danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng với doanh nghiệp; giúp lao động bớt thiệt thòi do được trả lương và nhiều chế độ khác không thỏa đáng vì thiếu văn bằng, chứng chỉ chuyên môn. Các danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo dự kiến được thực hiện theo lộ trình: từ  1-1-2022, 1-1-2023 và 1-1-2024.

Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: THÁI SƠN).
Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: THÁI SƠN).

Triển khai có lộ trình

truonganhdung-1603087850091.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng. 

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho hay, tại Khoản 8, Điều 52 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN): “Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) quy định”.

Điều 212 của Bộ luật Lao động năm 2019 cũng xác định nội dung quản lý nhà nước về lao động là: “Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo GDNN hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”.

Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (sau đây gội tắt là Chỉ thị 24) đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, khuyến khích DN chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp, hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là một thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Để thu hẹp và lấp những “khoảng trống về kỹ năng” của lực lượng lao động, cần thực hiện đào tạo qua DN hoặc các cơ sở GDNN, đào tạo theo yêu cầu của DN. 

Tuy nhiên, thực tiễn của thị trường lao động Việt Nam cho thấy, các DN, nhất là các DN FDI, đang ưu tiên tập trung sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Trình độ kỹ năng của nhóm lao động này rất hạn chế, thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, dẫn đến năng suất lao động tại DN thấp, ảnh hưởng chung tới năng suất lao động quốc gia. 

Mặt khác, do thiếu văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật, nên nhiều lao động chịu nhiều thiệt thòi như được trả lương không thỏa đáng và nhiều chế độ khác. Đặc biệt, người lao động (NLĐ) dễ bị DN sa thải khi tuổi đã cao, khi DN cập nhật công nghệ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất kinh doanh, hoặc nền kinh tế chịu tác động của thiên tai dịch bệnh.

Do vậy, việc ban hành Thông tư quy định danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quy định các ngành, nghề mà DN phải sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Các danh mục ngành, nghề được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, và được xác định theo tính chất, mức độ của ngành, nghề đó ở ba tiêu chí.

Một là đối với sự nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của NLĐ (sự an toàn của NLĐ). Hai là đối với việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội). Ba là tiến tới việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Theo đó, Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo và lộ trình thực hiện cụ thể như sau.

Danh mục 1 bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1-1-2022. Đây là những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2017 và những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm V và nhóm VI) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-6-2016 của Bộ trưởng LĐ-TB và XH.

Danh mục 2 gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1-1-2023. Đây là những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2017 và những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm V và nhóm VI) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-6-2016 của Bộ trưởng LĐ-TB và XH và một số ngành, nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành, nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế). 

Từ ngày 1-1-2024, áp dụng đối với các ngành, nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BLĐTBXH ngày 2-3-2017 của Bộ trưởng LĐ - TB và XH ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và các ngành, nghề khác ở các trình độ sơ cấp, và các ngành, nghề được quy định bởi các luật chuyên ngành.

Việc xác định lộ trình trên giúp các DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong công tác tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho NLĐ theo các trình độ phù hợp.

Dự thảo Thông tư đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN và nhân dân. Về cơ bản, các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN đều đồng thuận với Danh mục này. 

Hiện nay, Bộ LĐ-TB và XH đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các DN để hoàn thiện văn bản dự thảo.  

Nỗ lực nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo

Một thống kê gần đây chỉ rõ, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta mới chỉ đạt 25% được đào tạo từ ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ. Đây chính là thách thức lớn của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. 

tsphamtatthang-1603088178557.jpg
TS Phạm Tất Thắng. 

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định, hiện nay, năng suất lao động tăng dần đều ở các lĩnh vực ngành, nghề. Mặc dù tốc độ tăng không đồng đều, nhưng có thể thấy sự cải thiện rõ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chỉ là so với chính chúng ta, chứ so với thế giới và khu vực, vẫn là vấn đề cần quan tâm.

Năng suất lao động của chúng ta thấp so với khu vực. Thí dụ, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với của Indonesia, bằng 1/6 của Malaysia, và bằng 1/12 của Singapore. Những con số so sánh với ngay các quốc gia trong khu vực đã là một cảnh báo đối với năng suất lao động của nền kinh tế. Sẽ phải giải quyết hai vấn đề thì mới tận dụng tốt nguồn lực của mình. Trước tiên, cần nâng cao năng suất lao động, và cần những giải pháp hiệu quả để sử dụng triệt để và hiệu quả nguồn lao động.  

TS Phạm Tất Thắng cho rằng, có hai giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Một mặt, chúng ta phải có cơ chế, giải pháp phân luồng, thu hút, tạo điều kiện để NLĐ học nghề, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Mặt khác, nâng cao hiệu quả đào tạo, tức là đào tạo tay nghề, kỹ năng sau khi học của NLĐ phải đáp ứng yêu cầu của DN, của nền kinh tế và xã hội. 

Khi nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, có một hướng khác cho sử dụng lao động. Cụ thể, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có thể tăng cường đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ các nghề thông thường, mà còn cả với lao động có tay nghề, trình độ cao. Khi đó, hiệu quả của công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ nâng cao.