Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La quản lý trên 274km đường biên giới quốc gia, đối diện với tỉnh Houaphanh và tỉnh Louangphabang của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; phụ trách khu vực biên giới gồm 17 xã ở sáu huyện. Khu vực biên giới hai bên có tám thành phần dân tộc cùng sinh sống (dân tộc H’Mông, Thái, Kinh, Lào, Khơ Mú, Dao, Mường, Tày), trong đó chủ yếu là dân tộc H’Mông, dân tộc Thái và dân tộc Lào.
Trong những năm qua, để hoàn thành nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cần phải có kỹ năng tốt về tiếng Lào và các ngôn ngữ tiếng dân tộc và cần phải nắm chắc văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Đồn Biên phòng Mường Cai, huyện Sông Mã giảng dạy tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. |
Thực hiện Nghị quyết số 79-NQ/ĐU ngày 14/12/2020 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về lãnh đạo thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” và học tập tiếng dân tộc thiểu số trong Bộ đội Biên phòng. Nhiều năm qua, để kịp thời bồi dưỡng, các kỹ năng bổ trợ nâng cao hiệu quả công tác, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào tự tổ chức học tập tiếng tiếng Lào và tiếng dân tộc ở khu vực biên giới trong cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Từ 13/4/2023 đến nay, tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đang duy trì một lớp học tiếng Lào cho 50 đồng chí; tại Đồn Biên phòng Mường Cai, huyện Sông Mã tổ chức một lớp học tiếng Lào; nhiều Đồn Biên phòng đang tổ chức tự học tiếng dân tộc Thái, dân tộc H’Mông phù hợp với địa bàn công tác, bằng hình thức mỗi ngày học một đến ba chữ.
Giao ban trao đổi tình hình quý 2/2023 giữa các Đồn biên phòng Sơn La với lực lượng Biên phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Houaphanh, nước bạn Lào. |
Các lớp học chủ yếu diễn ra vào buổi tối, giờ nghỉ, ngày nghỉ của các đơn vị. Thời gian học các lớp tiếng Lào là ba đến bốn tháng, các lớp tiếng dân tộc thực hiện thường xuyên do các đồng chí cán bộ làm công tác phiên dịch, cán bộ người dân tộc của các đơn vị trong Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp lên lớp, hướng dẫn theo phương pháp học ứng dụng.
Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, thông tin: Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trực tiếp tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
Đây cũng là lực lượng trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng, nhân dân nước bạn Lào giữ vững môi trường hòa bình, tình hữu nghị và hợp tác dài lâu.
Do vậy, việc học tiếng nước bạn Lào hay tiếng đồng bào các dân tộc khác là cần thiết đối với công tác biên phòng và cũng là yêu cầu không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La còn lấy việc tổ chức học tập tiếng Lào và tiếng dân tộc của các tổ chức đảng cấp cơ sở là một trong những tiêu chí đánh giá trách nhiệm công tác của cấp ủy và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng năm.
Lực lượng Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh Louangphabang, nước bạn Lào kiểm tra cột mốc 149 trên biên giới. |
Mục tiêu của các lớp học là sau kết thúc khóa học mọi học viên có thể nghe, nói cơ bản tiếng Lào, tiếng dân tộc để trao đổi trong sinh hoạt đời thường và một số từ ngữ cơ bản liên quan đến nghiệp vụ biên phòng. Đồng thời, trong quá trình học tập cũng là quá trình các học viên trao đổi với nhau về đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc để mọi người cùng nắm, tôn trọng trong quá trình công tác.
Đồng chí Thượng úy Đặng Hữu Tú, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, cho biết: “Được tham gia học lớp tiếng Lào ứng dụng tại Cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, dù mới qua hơn hai tháng nhưng tôi đã có thể giao tiếp cơ bản. Học tập rất vui, sôi nổi và có ý nghĩa tốt với hoạt động công tác của tôi”.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là quá trình giao tiếp công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, có không ít cán bộ, chiến sĩ biên phòng chưa biết được tiếng Lào cũng như tiếng một số đồng bào dân tộc, nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, việc mở các lớp học tiếng Lào, tiếng dân tộc tại các đơn vị sẽ góp phần giúp cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng biết giao tiếp thông thường và nắm, hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, nâng cao được chất lượng hiệu quả công tác biên phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.