"BIENNALE" là một thuật ngữ phổ biến quốc tế, thường dùng cho các liên hoan, giao lưu nghệ thuật hoặc các sự kiện văn hóa kết hợp du lịch đa quốc gia và được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Biennale Photo Hanoi ’23 là liên hoan nghệ thuật chuẩn quốc tế đầu tiên ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp với sự phối hợp chặt chẽ và kỳ vọng của cả hai bên, mong muốn đưa Hà Nội trở thành một thành phố nhiếp ảnh đặc sắc của châu Á.
Hơn 100 nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ thị giác, giám tuyển, diễn giả, chuyên gia giáo dục... của Việt Nam và thế giới sẽ cùng thể hiện tài năng và đam mê, đối thoại với nhau và với khán giả về mọi khía cạnh của ngôn ngữ hình ảnh trong cuộc sống, xuyên suốt từ quá khứ cho tới hiện tại và tương lai.
"Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh"
Các triển lãm, tọa đàm, hội thảo, chiếu phim, trải nghiệm thực hành nhiếp ảnh... bắt đầu từ ngày 21/4 và diễn ra tại các không gian văn hóa, sáng tạo của Hà Nội như: Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Không gian Nghệ thuật Manzi, Hanoi Studio, Tổ hợp Complex 01, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)...
Việc đa dạng không gian trưng bày, đan cài các yếu tố lịch sử-xã hội, tôn vinh kiến trúc và những yếu tố nghệ thuật khác góp phần phát huy giá trị nhiều di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Có thể kể đến triển lãm mở màn "Hà Nội-Một thành phố trong nhiếp ảnh" mở cửa đến ngày 3/6 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, giới thiệu 16 nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia (trong đó có tám nghệ sĩ Việt Nam) với 16 phong cách riêng biệt.
Các tác phẩm được hoàn thiện in ấn và trưng bày theo tiêu chuẩn về mỹ thuật tại các phòng tranh và bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới hiện nay. Một triển lãm thú vị khác khai mạc ngày 22/4 và thu hút đông đảo khách tham quan là "Hà Nội-Những khởi đầu của một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á", với 30 bức ảnh mầu do nhà nhiếp ảnh người Pháp Léon Busy thực hiện trong những năm 1914-1915.
Những tấm hình mầu quý hiếm đã cung cấp cái nhìn về sự biến đổi của Hà Nội từ kiến trúc nhà ở, giao thông, không gian sinh hoạt chung, đời sống dân cư... đầu thế kỷ 20.
Bên cạnh đó, "Những ngôi sao sáng và tối" (mở cửa đến ngày 20/5 tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) lại là một triển lãm đầy mới mẻ, bất ngờ về mặt công nghệ. Nhiếp ảnh gia Adrian Sauer là một giáo sư đại học ở Đức đã mang đến những hình ảnh được thực hiện theo phương thức truyền thống và can thiệp kỹ thuật số, sắp đặt và sử dụng nguồn sáng khiến người xem dường như không thể phân biệt vật thể có thực và vật thể tạo hình không gian ba chiều.
Tại không gian nghệ thuật của một khu đô thị ở huyện Hoài Đức, triển lãm "Đa dạng văn hóa Việt Nam" giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc của các nhiếp ảnh gia trẻ Việt Nam từ nhiều địa phương khác nhau, với các chủ đề: phong cảnh, di tích, chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ, sự hòa hợp của con người và thiên nhiên...
Tìm góc khác của thành phố trong nhiếp ảnh
Với cộng đồng yêu kiến trúc và thời trang, nhiều người tìm đến triển lãm "Vượt trên hữu hình, thấu thị vô hình" (từ ngày 23/4 đến 31/5) để chiêm ngưỡng các bức ảnh in trên sơn mài của nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas, sáng lập thương hiệu thời trang bền vững Chula.
Ngày 24/4, triển lãm "David Thomas và những người bạn" khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày những sáng tác đồ họa của cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam David Thomas và 21 họa sĩ Việt Nam. Tích cực phát triển nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Mỹ-Việt Nam suốt 30 năm qua, David Thomas gửi vào các tác phẩm tình cảm dành cho đất nước Việt Nam, sự phản kháng chiến tranh và tố cáo hậu quả của chất độc da cam.
Các triển lãm "Hà Nội 1985-2015, Những năm tháng bị lãng quên" và "Xưa và nay, đổi thay đường phố Hà Nội" cùng mở cửa ngày 26/4 cũng gây ấn tượng với người xem qua những tác phẩm nhiếp ảnh về Hà Nội được chụp bằng những thiết bị khác nhau và trong những khoảng thời gian cách nhau rất xa.
Không chỉ là một "bữa tiệc" hình ảnh đa sắc, Photo Hanoi ’23 còn có nhiều tọa đàm chuyên môn thiết thực và hấp dẫn về bối cảnh và tiềm năng của ngành nhiếp ảnh ở Việt Nam, như "Kỹ thuật nhiếp ảnh và ứng dụng trong đời sống", "Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh"…
Chia sẻ về ý tưởng và quá trình tổ chức Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi ’23, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Thierry Vergon cho biết: "Chúng tôi và nhiều nghệ sĩ, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội và Việt Nam nhận thấy nhiếp ảnh là một phương tiện hữu hiệu để quảng bá các hoạt động văn hóa khác.
Điều này không chỉ tạo điều kiện cho nghệ sĩ nhiếp ảnh và công chúng Việt Nam tiếp cận với những thành tựu và xu hướng của nhiếp ảnh thế giới, mà còn đưa chính nghệ thuật nhiếp ảnh và hình ảnh Việt Nam đương đại đến với bạn bè quốc tế".
Cũng khẳng định Photo Hanoi ’23 góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội và con người Việt Nam qua góc nhìn nhiếp ảnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng còn bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và phối hợp trong các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Người dân và du khách quan tâm có thể dễ dàng tìm kiếm lịch triển lãm, địa điểm và thông tin nghệ sĩ tại website và fanpage của chương trình. Trong tuần tiếp theo, một số sự kiện nổi bật dự kiến sẽ diễn ra là: Giao lưu "Hành trình nhiếp ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh" (ngày 4/5), triển lãm "Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm" (ngày 5/5), triển lãm "50 năm - 50 bức ảnh" và thảo luận "Những tiếng nói mới của nhiếp ảnh Việt Nam" (ngày 6/5), triển lãm "Nữ nhiếp ảnh gia - Một hành trình" và triển lãm "Robert Doisneau" (ngày 7/5)...