Photo Hanoi và hy vọng cho một sự kiện nhiếp ảnh tầm cỡ

Cách đây hai năm, Photo Hanoi ’21 là sự kiện trưng bày nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình một liên hoan nghệ thuật định kỳ: kéo dài nhiều ngày, diễn ra tại nhiều địa điểm trong thành phố Hà Nội, với sự tham gia của các tác giả đến từ nhiều nước trên thế giới kèm theo các hoạt động hội thảo, giáo dục bên lề; tất cả hoàn toàn miễn phí cho công chúng. Sau thành công ban đầu, Photo Hanoi ’23 đã và đang được chuẩn bị để đến với công chúng từ tháng 4 này.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền tại Triển lãm Mê Kông-Chuyện đôi bờ, Photo Hanoi ’21. Nguồn: Viện Pháp tại Hà Nội
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền tại Triển lãm Mê Kông-Chuyện đôi bờ, Photo Hanoi ’21. Nguồn: Viện Pháp tại Hà Nội

Có sẵn nhiều yếu tố nền tảng

Bên cạnh những hội, đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật, báo chí có lịch sử hoạt động lâu đời ở Việt Nam, một số mô hình bảo tàng tư nhân về nhiếp ảnh, không gian chuyên biệt về nhiếp ảnh đương đại và kỹ thuật nhiếp ảnh cũng đã xuất hiện và hoạt động bền bỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, như không gian Matca, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (TP Hà Nội), Noirphoto (TP Hồ Chí Minh).

Song hành với Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, định kỳ hai năm, nay đã đến kỳ thứ 12, Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức Lễ hội nhiếp ảnh quốc tế lần thứ nhất (tháng 7/2022) với hy vọng cũng sẽ trở thành hoạt động định kỳ. Tại sự kiện lần đầu tiên này, đã có 534 tác giả đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi 5.800 tác phẩm tham dự và 127 tác phẩm đã được chọn trao giải. Không những vậy, một số cá nhân nghệ sĩ can đảm đứng ra mở gallery kinh doanh ảnh, tìm kiếm đối tác và tự lực tổ chức hội chợ nhiếp ảnh (photo fair), chủ động kết nối với các gallery trực tuyến để giới thiệu và bán sáng tác của mình. Cũng đã xuất hiện nhiều người trẻ đi học chuyên ngành nhiếp ảnh ở nước ngoài rồi trở về, đóng góp những cái nhìn mới mẻ, tích cực cho hoạt động nghề nghiệp trong nước.

Những yếu tố nền tảng như vậy đã cho thấy sự hùng hậu của đội ngũ những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Nhất là trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ, số hóa và thiết bị thông minh, nhiếp ảnh càng phát triển bởi có sự hậu thuẫn của kỹ nghệ hiện đại. Gần đây nhất, đã xuất hiện ở Việt Nam những sáng tác ảnh "không cần máy ảnh" mà dựa vào sự sáng tạo của nghệ sĩ cùng với kỹ thuật in quang thông (lumen prints) trên nền quy trình in tráng ảnh thủ công. Đây là những kỹ thuật mới ngay cả trên thế giới cũng ít nghệ sĩ thực hiện do sự kỳ công kèm chi phí cao cho từng bức hình.

Cần công nghệ tổ chức chuyên nghiệp

Photo Hà Nội ’21 do Đại sứ quán Pháp chủ động khởi xướng, lựa chọn các đối tác phía Việt Nam cũng như kết hợp với họ để chọn mời tác giả, tác phẩm. Tính chất của sự kiện này, về mọi khía cạnh, vẫn nhằm phục vụ công chúng địa phương, mặc dù có sự tham gia của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ các quốc gia phát triển bộ môn này ở tầm mức hàng đầu thế giới, như Mỹ, Hà Lan, Bỉ, CHLB Đức, Thụy Sĩ, trong đó có các nghệ sĩ gốc Việt thành danh như Lâm Đức Hiền (giải nhất hạng mục Chân dung của Ảnh Báo chí Thế giới năm 2001).

Nhìn thấy tiềm năng phát triển của sự kiện này, cùng với các yếu tố nền tảng cho phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam và sự quan tâm của công chúng, nhất là công chúng trẻ, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã lựa chọn Photo Hanoi ’23 như là phiên đầu tiên của một Liên hoan nhiếp ảnh đương đại định kỳ hai năm (biennale of photography) mang tầm cỡ khu vực châu Á và hơn thế nữa. Theo Đại sứ Nicolas Warnery, Viện Pháp và các đối tác tại Việt Nam đang làm việc với UBND Thành phố Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của UNESCO và Phái đoàn Liên minh châu Âu để chuẩn bị cho hàng loạt chương trình triển lãm, hội thảo, gặp gỡ nghệ sĩ diễn ra dày đặc tại nhiều địa điểm trong thành phố trong vòng hai tháng (tháng 4-6/2023). "Các bức tường bao quanh Đại sứ quán nhân dịp này cũng sẽ là nơi trưng bày ảnh", vị Đại sứ nhấn mạnh.

Thông điệp nói trên đã cho thấy chỉ dấu về sự thay đổi quan niệm tổ chức một sự kiện nghệ thuật lớn, có quy mô quốc tế bắt đầu từ việc thay đổi không gian trưng bày, đem tới sự dễ dàng tiếp cận nghệ thuật, đan cài các yếu tố lịch sử-xã hội, kiến trúc-hình ảnh, ngoài trời-trong nhà... góp phần thúc đẩy mở rộng biên độ cảm thụ nghệ thuật của công chúng. Chỉ có như vậy mới thu hút được khách quốc tế đến với sự kiện, đến với Hà Nội và Việt Nam, biến sự kiện thành một điểm đến mới của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Vì thế, công nghệ tổ chức sự kiện cũng đang được phía Pháp từng bước chuyển giao cho nhân sự phía Hà Nội.

"Với tham vọng đây sẽ là sự kiện định kỳ hai năm/lần tại Hà Nội, chúng tôi đang phối hợp với Hà Nội để đào tạo lại một số cán bộ chuyên môn phù hợp cho việc tổ chức sự kiện quy mô như vậy. Tương tự như Huế, Festival Huế trước kia do các chuyên gia Pháp phối hợp cùng địa phương tổ chức nhưng nay, phía Huế đã hoàn toàn tự chủ trong việc này", bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán Pháp bày tỏ.