Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 07-NQ/TU), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án số 03/ĐA-UBND về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh và 100% dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến Sóc Trăng, giúp các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong tra cứu thông tin, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến.
Tỉnh Sóc Trăng thành lập Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC); trong đó, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện 14 phân hệ thuộc các lĩnh vực và hoạt động của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh được tích hợp, kết nối đồng bộ dữ liệu từ các cơ quan chức năng.
Đến nay, có 4/13 chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và của Chính phủ.
Đồng thời, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện thống nhất phần mềm Quản lý văn bản V5 trên toàn tỉnh. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử cấp tỉnh đạt 93,46%, cấp huyện đạt 87,15%, cấp xã đạt 87,11%.
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh và 100% dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến Sóc Trăng, giúp các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong tra cứu thông tin, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó, kinh tế số của tỉnh bước đầu phát triển. Các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý bán hàng. Các sở, ngành quan tâm hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa các hộ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử tỉnh và quốc gia, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Hóa đơn điện tử đã được triển khai thực hiện tại 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai. Đối với các doanh nghiệp, tiếp tục duy trì tỷ lệ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng đạt 100% và tỷ lệ nộp thuế điện tử đạt trên 96%.
Việc phát triển thanh toán điện tử trong khu vực nhà nước, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến; kết quả thanh toán điện tử dịch vụ công qua ngân hàng là 2.644.936 giao dịch với tổng số tiền hơn 25.231 tỷ đồng. Đến nay, có 1.049.726 tài khoản giao dịch của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực xã hội số cũng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường được hoàn thiện và đưa vào sử dụng; hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động hiệu quả bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông của tỉnh.
Hạ tầng xã hội số có bước phát triển, cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; cơ bản phủ sóng 3G, 4G tại các địa bàn dân cư và sóng 5G được triển khai tại 3 điểm trên địa bàn thành phố Sóc Trăng.
Ngành nông nghiệp từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đến nay, ngành nông nghiệp đã cung cấp gần 1,7 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; triển khai ứng dụng phần mềm VAHIS báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; xây dựng bản đồ phòng chống thiên tai của tỉnh Sóc Trăng và 11 huyện, thị xã, thành phố trên phần mềm quản lý GIS và tham gia thực hiện Dự án "Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP)" phục vụ hoạt động xây dựng "Cơ sở dữ liệu ngành nước Đồng bằng sông Cửu Long".
Cổng thông tin du lịch thông minh (mysoctrang.vn) và ứng dụng Du lịch thông minh (SocTrang tourism) trên thiết bị di động đã tích hợp trên 80 điểm tham quan du lịch, 65 điểm ẩm thực, 76 điểm lưu trú, 6 công ty lữ hành và hơn 800 điểm tiện ích, giải trí. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường ứng dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, con người và các lễ hội đặc sắc của Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước.
Ngành giáo dục đã lồng ghép vào các môn học theo mô hình giáo dục tích hợp khoa học- công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật; triển khai học bạ điện tử đối với cấp tiểu học; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để sớm hình thành các kỹ năng số cần thiết.
Tỉnh đã triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip ở tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; thực hiện số hóa hồ sơ sức khỏe, bệnh án và các hồ sơ có liên quan lên nền tảng số. Xây dựng cơ sở dữ liệu của 721.906 người lao động (đạt 100%) vào hệ thống quản lý an sinh xã hội.
Chuyển đổi số là bước đi quan trọng, cấp thiết và tất yếu, cần nắm bắt, tiếp cận và vào cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.
Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số. Các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về sự cấp thiết của chuyển đổi số; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi số, đặc biệt là quán triệt bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và Tổ Công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chuyển đổi số; phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thông qua môi trường số, mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa; quan tâm lựa chọn các mô hình điển hình tiên tiến để phổ biến và nhân rộng.
Song song đó, tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực. Cùng góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số; vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa để khuyến khích, thu hút, phát triển các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực về khởi nghiệp, sáng tạo, thương mại phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh.
Tỉnh quan tâm tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ cùng với các chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh việc hợp tác, chuyển giao, làm chủ công nghệ mới, hiện đại, qua đó phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng số, dữ liệu số hiện đại và an toàn; xây dựng và phát triển Cổng dữ liệu mở của tỉnh để cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng cùng chung tay với các cơ quan nhà nước phát triển các ứng dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực đời sống và sản xuất, kinh doanh.