Sóc Trăng đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Ngày 6/1, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức gặp gỡ thân mật với các doanh nghiệp nhằm ghi nhận những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời thông tin kết quả phát triển kinh tế năm qua và định hướng doanh nghiệp phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định sự phát triển của địa phương là nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định sự phát triển của địa phương là nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Nỗ lực vượt khó

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn thông tin, năm qua trước những biến động của tình hình thế giới cũng như những khó khăn từ tình hình trong nước, Sóc Trăng chịu nhiều tác động trong bối cảnh khó khăn chung. Thế nhưng với sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực của cả tỉnh, tình hình kinh tế xã hội Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt 5,38%, đứng thứ 7 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 39 trong cả nước. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh có sự tăng trưởng liên tục trong 4 quý.

Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì và ổn định; trong đó, sản lượng lúa, thủy sản vượt kế hoạch, tỷ lệ lúa đặc sản cao hơn cùng kỳ, thiệt hại nuôi tôm giảm. Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, thu hút đầu tư được triển khai tích cực.

Công tác cải cách hành chính được thực hiện tốt. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (PAPI) thuộc nhóm trung bình cao trong cả nước và đứng thứ ba trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự tăng bậc xếp hạng trong cả nước và trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu lý giải, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực của các sở, ban ngành và sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, xuất khẩu của tỉnh vẫn giữ được giá trị kim ngạch ổn định mức 1,5 tỷ USD đạt 100% kế hoạch đề ra.

Trong đó, thủy sản ước 925 triệu USD đạt 80,43% kế hoạch, giảm 11,14% so cùng kỳ, gạo ước đạt 450 triệu USD tăng 33,93% so cùng kỳ, may mặc đạt 120 triệu USD bằng cùng kỳ 2022.

Về xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU… và khai thác khá tốt các lợi thế do FTA mang đến. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu thủy sản giảm là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; lạm phát tăng cao; khủng hoảng kinh tế ở một số nước lớn; người dân một số nước nhập khẩu thắt chặt chi tiêu; nguồn cung lớn hơn cầu do sự cạnh tranh quyết liệt về giá tôm của Ấn Độ và Ecuador.

Sóc Trăng đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng là gạo xuất khẩu tăng trưởng rất tốt, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, tăng 33,93% so với năm 2022, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua lần thứ hai được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới” tại Philippines.

Sóc Trăng đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển ảnh 2
Doanh nghiệp cảm ơn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã đồng hành tháo gỡ khó khăn trong năm qua.

Trong năm, xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống và trọng điểm như Philippines, Trung Quốc tiếp tục giữ vững. Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt là do Sóc Trăng có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, được Sóc Trăng xác định là cây chủ lực với diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 330.000 ha, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản chất lượng cao chiếm trên 90%.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2024, theo dự báo thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục tiếp diễn khó khăn, chậm phục hồi, sự cạnh tranh quyết liệt về sản phẩm tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ cũng gây khó khăn cho các sản phẩm tôm Việt Nam.

Điều đáng quan ngại hiện nay là sự cạnh tranh gay gắt về giá giữa sản phẩm tôm Việt Nam với sản phẩm tôm của Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm truyền thống lớn nhất của tỉnh, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm nhưng hiện nay bị rào cản kỹ thuật khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đăng công báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam; trong đó, tỉnh Sóc Trăng có 1 doanh nghiệp.

Sóc Trăng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển như được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến Cao Tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang thi công, Cầu Đại Ngãi đã được khởi công xây dựng đã mở ra cánh cửa mới, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Để có thể tận dụng tốt những cơ hội trên cũng như vượt qua thách thức trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ triển khai thực hiện tốt các dự án, đề án về sản xuất nông nghiệp. Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

Thực hiện tốt kế hoạch về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Đẩy nhanh việc triển khai hoàn thành các dự án điện gió; hoàn thành các điều kiện để sớm khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời đề xuất giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và nhân dân ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển kinh tế hợp tác.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước, khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu. Triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 trên địa bàn.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch ngành, địa phương, nhất là quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch mang tính kỹ thuật - chuyên ngành, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Cùng với phát triển kinh tế, Sóc Trăng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm nghèo và an sinh xã hội. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Có giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Sóc Trăng, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công.

Riêng đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, cùng với việc tích cực tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất, tỉnh phối hợp với các các bộ ngành Trung ương để kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin, kết nối tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với các thị trường mới.