Theo đó, các lĩnh vực xuất - nhập khẩu, giao thông vận tải (đặc biệt là vận tải hàng không), sản xuất ô-tô, sản xuất điện tử, máy tính, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, ăn uống, lưu trú… đều bị giảm mạnh doanh thu, khiến hàng triệu lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sâu. Không chỉ vậy, thiên tai, lũ lụt đã gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến số thu NSNN theo các kịch bản tăng trưởng; tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối NSNN năm 2020. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong đó tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN.
Với nỗ lực đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đạt khá, cao hơn so kỳ vọng. Theo đó, kết quả thu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so số ước thu đã báo cáo Quốc hội (trong đó thu NSTƯ đạt 562.093 tỷ đồng, bằng 94,7% dự toán). Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán (vượt 24.973 tỷ đồng), vượt 173.773 tỷ đồng so số ước thu đã báo cáo Quốc hội. So dự toán, có tới 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó, có một số địa phương vượt hơn 10% như: Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai… Có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Năm 2021, dự toán thu NSNN Quốc hội đã giao cho cơ quan thuế là 1.116.700 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ dầu thô là 23.200 tỷ đồng; thu từ kinh tế nội địa là 1.093.500 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh trên thế giới tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế được dự báo tăng trưởng thấp. Trong nước, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, trong năm 2021, cơ quan thuế sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó, cơ quan Thuế các cấp sẽ tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu năm 2021, giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu để làm cơ sở để cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm. Dự báo sát tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế, rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình sức khỏe doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý, phòng chống gian lận, trốn thuế, chống thất thu NSNN.