Chống tội phạm “săn cây”
Trước đây, nạn buôn lậu gỗ từ châu Phi đã từng gây đau đầu cho giới chức, nhưng hiện nay không chỉ cây lấy gỗ mà hàng trăm loài thực vật có ý nghĩa quan trọng khác cũng đang bị vận chuyển trái phép ra khỏi các quốc gia châu Phi. Theo Mạng lưới giám sát buôn bán động vật và thực vật hoang dã Traffic, kể từ năm 2019, hải quan từ 16 quốc gia ở nam châu Phi đã thu hồi hơn 1 triệu cây họ xương rồng, thuộc 650 loài khác nhau, bị vận chuyển trái phép sang các thị trường nước ngoài. Báo cáo từ cơ quan thực thi pháp luật của Nam Phi cho hay, nước này thu giữ khoảng 3.000 cây xương rồng quý hiếm bị buôn bán trái phép mỗi tuần.
Cảnh sát Nam Phi nhận thấy, khoảng 3 năm trở lại đây, các điều tra viên của cơ quan này thường xuyên phát hiện những lô hàng giấu cây cảnh trong những kiện chuyển phát nhanh khi khám xét tại sân bay quốc tế Cape Town. Viện Đa dạng sinh học quốc gia Nam Phi đánh giá, do nhu cầu ngày càng tăng đối với cây cảnh, những kẻ buôn lậu để mắt tới những loài cây lạ quý hiếm. Trong đó, xương rồng châu Phi chủ yếu sống trong tự nhiên, là mặt hàng được những tay “săn cây” ưa chuộng.
Báo cáo của Traffic cho hay, các loài thực vật mọng nước quý hiếm của Nam Phi như loài xương rồng, nằm trong tầm ngắm của các các tổ chức buôn bán bất hợp pháp vì chúng có rủi ro thấp nhưng đem lại lợi nhuận cao. “Nếu chúng được nhân giống thương mại trong các vườn ươm thì đây không phải là vấn đề lớn, nhưng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các loài thực vật lạ hoặc quý hiếm này khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng”, báo cáo nhấn mạnh.
Việc khai thác trái phép và quá mức những giống cây đặc hữu trong tự nhiên đã đe dọa đến đa dạng sinh học, trong đó có cả các khu bảo tồn sinh quyển được thế giới công nhận. Chẳng hạn như khu bảo tồn “Succulent Karoo” nằm ở biên giới giữa Nam Phi và Namibia, là khu vực được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) xếp vào danh sách các vùng khô cằn rộng lớn có cảnh quan độc đáo trên thế giới. Tổ chức bảo tồn cho biết, nơi đây hiện có hơn 6.000 loài cây mọng nước, 40% trong số đó là cây đặc hữu chỉ tồn tại trong khu vực này. Một số loài xương rồng đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa vào Sách đỏ hạn chế buôn bán, vì những loài thực vật này đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp hoặc sắp nguy cấp.
Lực lượng an ninh Nam Phi cho biết, dù đã đưa vào sách đỏ nhưng các loại cây mọng nước quý hiếm và những mặt hàng, như sừng tê giác, ngà voi, bào ngư, vũ khí, ma túy… được các mạng lưới tội phạm quan tâm vì chúng mang lại lợi nhuận cao. Dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh phát triển trong những năm gần đây đã được bọn buôn lậu lợi dụng để dễ dàng vận chuyển trái phép các loại cây nhỏ như xương rồng.
Báo cáo của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng chỉ ra rằng, hiện nay phương pháp buôn lậu thực vật phổ biến nhất chính là đóng gói thành các bưu kiện nhỏ gửi qua đường bưu điện, chiếm 43% tổng số vụ bắt giữ vào năm 2022 và tăng 17% so năm 2021. Theo CNN, Giám đốc Chương trình An ninh bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới, bà Dawn Wilkes cho biết: “Tội phạm có thể sử dụng nhiều cách thức để che giấu hàng hóa bất hợp pháp trong kiện bưu chính, chẳng hạn như đồ chơi trẻ em, thực phẩm, nông sản… Cách thức của chúng cũng ngày càng tinh vi và rất khó ngăn chặn. Ngay khi phát hiện phương thức buôn lậu một loại hàng hóa nào đó, kẻ gian lại nghĩ ra ý tưởng khác”.
Bà Wilkes nhận định, với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số và các máy quét, hải quan có thể phát hiện sớm một số loài thực vật quý hiếm đang bị buôn lậu, song nỗ lực ngăn chặn tội phạm săn bắt từ thiên nhiên ở “lục địa đen” và trên toàn cầu vẫn gặp phải thách thức lớn. Một yếu tố đáng chú ý là phần lớn trong số này là tội phạm xuyên biên giới, cần có sự hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin để đấu tranh.
Thu giữ tang vật buôn lậu. Ảnh: NEW YORK TIMES |
Hợp tác để ngăn chặn hiệu quả
Suốt nhiều năm qua, nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác hay tê tê hoang dã ở châu Phi đã ảnh hưởng đến các quần thể động vật và làm suy giảm đa dạng sinh học, đứt gãy hệ sinh thái. Ngoài ra, những tác động tiêu cực của buôn bán, vận chuyển trái phép thực vật quý hiếm hiện nay đang ảnh hưởng ngành du lịch vốn đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của nhiều nước châu Phi. Giám đốc Liên minh ngăn chặn tội phạm chống lại thiên nhiên (NCA), bà Yulia Stange cho rằng, phần lớn hoạt động tội phạm hủy hoại thiên nhiên đang tác động trực tiếp đến những khu vực vốn có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và lợi ích của con người trên toàn cầu.
Tội phạm hủy hoại thiên nhiên là các hình thức khai thác lâm sản, khai khoáng, đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn bán động vật hoang dã… “Loại hình tội phạm này không chỉ chồng chéo với tội phạm tài chính và tham nhũng mà còn với nạn buôn người, ma túy và vũ khí hạng nhẹ. Do đó, tội phạm hủy hoại thiên nhiên vừa tàn phá môi trường, đồng thời cũng là thách thức kinh tế và an ninh. Ở một số vùng của châu Phi, loại tội phạm này có liên quan đến tài trợ khủng bố”, bà nhấn mạnh.
Theo bà Yulia Stange, sẽ không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học toàn cầu nếu không giải quyết được nạn tội phạm phá hoại thiên nhiên. Lấy dẫn chứng hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp, dù diễn ra chủ yếu ở 5 nước Angola, Congo, Kenya, Zambia và Zimbabwe, nhưng hệ quả là đã dẫn đến sự suy giảm khoảng 90% số lượng voi toàn trên châu Phi trong 30 năm qua.
Còn theo ông Robert Wabunoha, Điều phối viên quản lý môi trường châu Phi thuộc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), các hoạt động tội phạm như vậy gây ra những hệ quả đặc biệt nghiêm trọng đối với châu Phi. Để giải quyết vấn đề này, cần có những nỗ lực mạnh mẽ trên toàn lục địa, quốc gia và địa phương.
Do các vụ buôn bán động, thực vật hoang dã ngày càng trở nên tinh vi với nhiều phương thức che giấu khác nhau, các cơ quan thực thi pháp luật cần chia sẻ thông tin với các đối tác trong khu vực và quốc tế. Vì vậy, chuyên gia này cho biết thách thức là phải bảo đảm những cơ quan hải quan và kiểm soát biên giới có đủ nguồn lực, trang bị và đào tạo đầy đủ để có thể đi trước các chiến thuật liên tục thay đổi của tội phạm buôn lậu.
“Những số liệu thống kê cho thấy tình trạng buôn bán thực vật và động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn còn phổ biến, những kẻ buôn lậu đang sử dụng nhiều phương thức khác nhau để trốn tránh pháp luật hiện hành. Bằng cách mở rộng mạng lưới hợp tác, trao đổi thông tin hiệu quả hơn, chúng ta có thể ngăn chặn sớm những rủi ro mà tội phạm gây ra”, ông Wabunoha cho hay.