Xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán chim hoang dã

Việt Nam được Tổ chức bảo tồn chim quốc tế (Birdlife) công nhận là một trong năm vùng chim đặc hữu và là một trong 25 quốc gia có hệ chim hoang dã phong phú nhất trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) thu giữ phương tiện bẫy chim hoang dã của các đối tượng vi phạm. (Ảnh: PHÚ BỬU)
Lực lượng chức năng huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) thu giữ phương tiện bẫy chim hoang dã của các đối tượng vi phạm. (Ảnh: PHÚ BỬU)

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa đến nhiều loài chim hoang dã và chim di cư, do đó cần đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh hiệu quả để bảo vệ các loài chim hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng…

Hệ sinh thái đa dạng của các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và nhiều vùng duyên hải khác tại Việt Nam đã tạo nên những vùng đất mầu mỡ cho các loài chim hoang dã và di cư đến trú ngụ, sinh sống. Đáng tiếc, những khu vực này lại trở thành nơi “lý tưởng” để bẫy, săn bắt trái phép chim trời của nhiều thợ săn.

Tại một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế…, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi như dùng chim mồi, loa phát âm thanh bắt chước tiếng chim để thu hút chim trời, sau đó dùng lưới, bẫy để bắt.

Tình trạng săn bắt các loài chim bản địa và chim di cư đang đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam.

Tình trạng săn bắt các loài chim bản địa và chim di cư đang đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Một số loài chim di cư như cò, vạc và các loài chim nước có kích thước lớn đã trở thành mục tiêu săn bắt, chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của một bộ phận người dân.

Một khảo sát mới đây của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, tại 125 nhà hàng ở Hà Nội từ năm 2020 đến tháng 6/2024 đã có 42% cơ sở có quảng cáo bán các món ăn chế biến từ chim hoang dã trên thực đơn.

Tương tự như vậy, các món ăn từ chim hoang dã cũng xuất hiện trên thực đơn của 24% trên tổng số 124 nhà hàng được khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng giai đoạn. Chỉ riêng trong năm 2023, ENV đã ghi nhận 1.006 vụ vi phạm trên không gian mạng với 163.185 cá thể chim bị quảng cáo, rao bán.

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng I (Cục Kiểm lâm), thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Văn bản số 568/KL-ĐN ngày 15/9/2023 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, đơn vị đã thường xuyên phối hợp Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh và chính quyền địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã, di cư trên một số địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng đặt lưới bẫy, bắt chim hoang dã, di cư nhiều nơi, nhất là tại các bãi bồi ven sông, biển.

Tổ công tác đã tiến hành thu và tiêu hủy tại chỗ hàng nghìn mét lưới, hàng trăm cọc gỗ, tre; phá dỡ các chòi lán tạm phục vụ bẫy, bắt chim hoang dã, di cư trái pháp luật; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương điều tra, ngăn chặn nhiều hoạt động bất hợp pháp để bảo vệ hiệu quả chim hoang dã nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung.

Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực bảo vệ chim hoang dã và xử lý vi phạm về chim hoang dã của các cơ quan chức năng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các địa phương cần xây dựng những chiến lược hiệu quả hơn để xử lý các vi phạm, đặc biệt là tình trạng buôn bán chim trái phép tại nhà hàng, chợ truyền thống hay trên không gian mạng. Việc áp dụng chặt chẽ các quy định của pháp luật và xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm sẽ góp phần răn đe, ngăn chặn hoạt động này”.

Trước đây, các quy định quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến việc săn bắt, buôn bán các loài chim chưa rõ ràng, do đó dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, gây khó khăn nhất định cho công tác thực thi pháp luật và ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã.

Đến thời điểm hiện nay, các quy định pháp luật đã tương đối rõ và chặt chẽ để góp phần xử lý các vi phạm.

Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài chim trời đều được coi là động vật hoang dã và theo đó, người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).

Các hành vi vi phạm đối với chim hoang dã phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234, tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự.

Để bảo vệ hiệu quả các loài chim hoang dã, cùng sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nhận thức: khi đặt một món ăn chế biến từ chim, hoặc mua chim hoang dã được rao bán trên mạng, ở chợ là đang góp phần tận diệt chim hoang dã.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cơ quan có trách nhiệm đã tích cực tuyên truyền, đấu tranh với các hành vi xâm hại. Trong đó, ENV đã cho ra mắt phim ngắn có tên “Chim trời kêu cứu” nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã.

Phim “Chim trời kêu cứu” phơi bày những khoảnh khắc ám ảnh về vấn nạn tận diệt chim trời. Đây mới chỉ là lát cắt nhỏ của thực trạng tận diệt chim trời đầy nhức nhối đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Để bảo vệ hiệu quả các loài chim hoang dã, cùng sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nhận thức: khi đặt một món ăn chế biến từ chim, hoặc mua chim hoang dã được rao bán trên mạng, ở chợ là đang góp phần tận diệt chim hoang dã.

Thông qua sự chung tay của cộng đồng xã hội và những nỗ lực của các cơ quan chức năng, mong rằng công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư trước những mối đe dọa của nạn săn bắt và buôn bán trái phép ở các địa phương sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới.