Số hóa hình ảnh Nghê Văn Miếu - nâng tầm giá trị di sản Việt

NDO - Nhằm đưa hình ảnh Nghê - một linh thú thuần Việt đang canh giữ không gian thiêng liêng của Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, ngày 18/1, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) phối hợp Công ty Phygital Labs công bố dự án hợp tác Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản, đưa hình ảnh Nghê đi vào đời sống đương đại thông qua định danh số công trình nghiên cứu về Nghê mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”, tạo ra cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng Nghê Văn Miếu được chip RFID đưa lên không gian số nhằm đưa hình ảnh Nghê đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Tượng Nghê Văn Miếu được chip RFID đưa lên không gian số nhằm đưa hình ảnh Nghê đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Hợp tác Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản mở đầu bằng chiến dịch Tầm Chân (tầm - tìm kiếm; chân - cái thực). Theo đó, mạng lưới các học giả của dự án sẽ tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một và tiếp đó đội ngũ chuyên gia văn hóa do UNET sẽ tập hợp, thực hiện các nghiên cứu hiện vật hay những giá trị văn hóa.

Từ đây, các giá trị này được lưu giữ và phát huy nhờ ứng dụng công nghệ định danh số Nomion do Phygital Labs cung cấp. Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ được phát triển thành các sản phẩm vật lý số, được định danh số trên nền tảng blockchain và truyền tải thông tin qua chip NFC.

Trong khuôn khổ chiến dịch Tầm Chân, dự án Nghê Văn Miếu đánh dấu sự hợp tác sáng tạo giữa UNET, Phygital Labs cùng với Ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám và Tiến sĩ mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, người có công trình nghiên cứu sâu sắc về Nghê Việt và đã ra mắt cuốn sách mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”, nhằm đưa hình ảnh Nghê - một linh thú thuần Việt đang canh giữ không gian thiêng liêng của Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội… để câu chuyện về linh vật này đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Số hóa hình ảnh Nghê Văn Miếu - nâng tầm giá trị di sản Việt ảnh 1
CEO Phygital Labs Huy Nguyễn chia sẻ tại sự kiện.

Hơn nữa trong chiến dịch Tầm Chân này, công trình nghiên cứu về Nghê mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” đã được định danh số, tạo ra cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Cụ thể, công nghệ Nomion chuyển đổi cuốn sách “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” thành sách điện tử, được lưu giữ và bảo mật bằng công nghệ blockchain cùng chip RFID.

Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu, là vật phẩm được đúc bằng đồng thau, theo nguyên mẫu của Nghê đang chầu trên cột tứ trụ của Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long, người tương tác sẽ được trải nghiệm sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam, mở ra thế giới tri thức phong phú, là sự kết nối quá khứ với hiện tại trong không gian số sinh động. Để gia tăng tính trải nghiệm, thể hiện tính độc bản, nội dung sách này chỉ truy cập được khi tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO Đinh Đức Hoàng chia sẻ: “Nghê là một tượng đồng hay là một cuốn sách? Nếu Nghê chỉ hiện diện trong những trang sách, nó có thể sẽ chung số phận với nhiều thứ mà giờ chỉ còn trong trang sách, nếu Nghê chỉ tồn tại dưới dạng một bức tượng, nó có thể trở thành một món đồ trưng bày mang ý nghĩa trang trí mà người ta không biết phải trân trọng nó vì lý do gì. Công nghệ đã cho chúng ta câu trả lời”.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng công bố bản báo cáo khoa học “Định danh số đưa vạn vật thành chìa khóa mở kho tàng tri thức”, được nghiên cứu bởi ông Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs.

CEO Phygital Labs cho rằng, công nghệ định danh số thích hợp cho việc chứng thực độc bản và lan tỏa thông tin kiến thức, là một điểm chạm rất tự nhiên với các di tích di sản văn hóa. Sự kết hợp này không chỉ là chìa khóa kết nối các giá trị di sản, văn hóa Việt Nam mà còn phát huy được hết các tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của một nền công nghiệp văn hóa Việt.

Số hóa hình ảnh Nghê Văn Miếu - nâng tầm giá trị di sản Việt ảnh 3

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Tự hào vì có cơ hội được cộng tác cùng UNESCO và Văn Miếu để tạo ra sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam, CEO Huy Nguyễn chia sẻ thêm: “Tôi kỳ vọng giải pháp công nghệ của chúng tôi được ứng dụng rộng rãi để không chỉ Nghê Văn Miếu mà nhiều di sản văn hóa Việt giàu giá trị khác đều có những phiên bản số xứng tầm, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số. Chiến dịch Tầm Chân sẽ không chỉ có Nghê Văn Miếu, bởi các di sản đều có thể trở thành nguồn lan tỏa tri thức, quảng bá văn hóa và nâng cao giá trị. Do đó, UNET và Phygital Labs sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ vật lý số để tạo nên những tài sản số được chứng thực, mang tính độc bản cho những di vật, di sản và di tích của Việt Nam".

“Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị “đi sau” nhiều lĩnh vực hiện đại khác. Chúng ta cũng cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nên tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa nước nhà”, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho biết.