Mực nước ngầm tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng như: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu tưới cho cây trồng đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước…
Đặc biệt, do nắng nóng kéo dài nhiều tháng nay nên nhiều hồ, đập thủy lợi đã cạn kiệt nguồn nước và diện tích cây trồng bị khô hạn đang tăng lên từng ngày. Đến thời điểm ngày 31-3, trong tổng số 782 công trình thủy lợi, đập dâng, hồ chứa toàn tỉnh đã có 53 hồ cạn khô đáy, các hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế và hiện nay mực nước các hồ chứa giảm nhanh do bơm tưới phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng.
Do nguồn nước phục vụ tưới tiêu giảm nhanh nên đến nay toàn tỉnh có 5.913 ha cây trồng bị hạn, trong đó gồm 2.715 ha lúa, 1.539 ha cây hoa màu, 1.658 ha cây lâu năm; riêng huyện Ea Kar đã có 3.799 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Tình hình khô hạn khốc liệt cũng khiến gần 1.000 hộ dân ở các huyện: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo bị thiếu nước sinh hoạt gay gắt.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, với tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng, đến giữa tháng 4-2020 trời chưa có mưa, dự kiến số hồ, đập thủy lợi bị cạn kiệt nguồn nước và diện tích cây trồng bị khô hạn trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Cụ thể, sẽ có khoảng 30 nghìn ha cây trồng bị thiếu nước tưới, gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25 nghìn ha cây lâu năm, trong đó diện tích bị mất trắng khoảng 2.000 ha, gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha lâu năm; có khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt…