Singapore thí điểm sử dụng điện tách CO2 từ nước biển

NDO - Ngày 6/9, Singapore lên kế hoạch mở rộng dự án thí điểm sử dụng một trong những công nghệ mới nổi nhằm tăng cường khả năng hấp thụ lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của đại dương. Những người ủng hộ hy vọng dự án có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc dự án thí điểm loại bỏ carbon trên đại dương của Equatic tại Nhà máy khử muối Tuas ở phía tây Singapore. Ảnh: Reuters, chụp ngày 30/8.
Một góc dự án thí điểm loại bỏ carbon trên đại dương của Equatic tại Nhà máy khử muối Tuas ở phía tây Singapore. Ảnh: Reuters, chụp ngày 30/8.

Trong lúc các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu thêm về loại bỏ carbon dioxide trong đại dương (OCDR), Ủy ban Tiện ích công cộng Singapore (PUB) đã xây dựng một nhà máy sử dụng điện để tách CO2 từ nước biển, cho phép hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn từ khí quyển khi được bơm trở lại đại dương.

Dự án được xây dựng tại cơ sở khử muối ở bờ biển phía Tây Singapore, chiết xuất 100 kg CO2 mỗi ngày bằng công nghệ do công ty Equatic của Mỹ thiết kế, do các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) sáng lập.

Tại nhà máy, nước biển được chạy qua máy điện phân, chuyển đổi CO2 hòa tan thành canxi cacbonat và tạo ra hydro.

Tiến sĩ Gurdev Singh, Tổng giám đốc PUB, người đứng đầu dự án, cho biết, PUB đang đặt mục tiêu bảo đảm nguồn vốn vào cuối năm nay để xây dựng một nhà máy trình diễn với công suất 10 tấn hàng ngày và sẽ xem xét mở rộng hơn nữa.

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng minh rằng công nghệ này hoạt động được, nhưng điều quan trọng bây giờ là tối ưu hóa công nghệ trên quy mô lớn”.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, việc loại bỏ CO2 trong khí quyển sẽ quan trọng như việc cắt giảm khí thải khi hạn chế sự gia tăng nhiệt độ.

Mặc dù loại bỏ carbon dioxide trong đại dương là nhiệm vụ rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng vẫn chưa rõ liệu các công nghệ mới có khả thi khi được triển khai trên quy mô lớn hay không.

Tiến sĩ Equat Gaurav Sant, người sáng tạo ra công nghệ sử dụng điện để tách CO2 từ nước biển nhấn mạnh tiềm năng thương mại của công nghệ mới này.

Ông nói: “Điều khiến công nghệ mới này trở thành một cơ hội thương mại linh hoạt là trên cùng một thiết bị có thể cung cấp cùng lúc hai sản phẩm: tín dụng carbon và hydro”.

Ông cho biết thêm, công ty cũng có thể thu lợi nhuận bằng cách bán canxi cacbonat cho ngành xây dựng địa phương.

Dự án này là một trong một số dự án OCDR thí điểm trên khắp thế giới. Một số dự án dựa vào việc đưa nước biển sâu giàu dinh dưỡng lên bề mặt để kích thích sự phát triển của rong biển, trong khi một số dự án khác nhằm mục đích giảm mức độ axit hóa đại dương và từ đó tăng cường hấp thụ CO2.

Một số chuyên gia cảnh báo, tác động sinh thái tiềm ẩn của những công nghệ này vẫn chưa được biết rõ. Hôm 5/9, hơn 200 nhà khoa học cho biết trong một bức thư ngỏ rằng, nghiên cứu OCDR cần được ưu tiên không chỉ để tối đa hóa tiềm năng của nó mà còn ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn.