Công nghệ thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí (DAC) hoạt động theo cơ chế hút không khí và chiết xuất CO2 thông qua các phản ứng hóa học, sau đó đưa vào các địa điểm lưu trữ lâu dài.
Bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ, tự nhiên cũng góp phần quan trọng trong việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển với vai trò của cây cối, đất và các vùng đất ngập nước.
Nằm trong kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, EU đặt mục tiêu triển khai các giải pháp loại bỏ carbon trên quy mô lớn nhằm bù đắp lượng phát thải từ các ngành nghề như nông nghiệp và công nghiệp nặng - những lĩnh vực được cho là không thể giảm lượng phát thải về 0.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ thiết lập một hệ thống chứng nhận loại bỏ carbon vào năm 2022, bằng cách đo lường lượng CO2 loại bỏ từ các công nghệ và các diện tích đất riêng lẻ ở các quốc gia thành viên EU, cũng như tính toán khoảng thời gian mà CO2 sẽ được lưu trữ.
Điều này sẽ cho phép người nông dân và các chủ đất thu về các tín chỉ carbon được EU công nhận, và bán chúng cho những bên gây ô nhiễm đang cần cân bằng lượng khí thải của họ, từ đó tạo ra động lực tài chính thúc đẩy lưu trữ CO2.
Một số tập đoàn như Microsoft cho biết họ sẵn sàng bỏ tiền để đạt được các khoản bù trừ carbon.
Hệ thống chứng nhận carbon này có thể đặt nền móng cho việc hình thành một thị trường mua bán tín chỉ carbon do EU quản lý sau năm 2030, hoặc bổ sung chúng vào thị trường carbon hiện nay của khối, trong đó yêu cầu các công ty điện và công nghiệp phải mua giấy phép mỗi khi họ phát thải CO2.
Một số nhà vận động bày tỏ quan ngại rằng việc đưa loại bỏ CO2 vào thị trường carbon EU vào những năm 2030 có nguy cơ làm suy giảm động lực tập trung vào việc cắt giảm trực tiếp phát thải CO2 nhiều nhất có thể.
Theo mục tiêu mà EU đề ra, các dự án ban đầu sẽ thu giữ 5 triệu tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm đến năm 2030. Mặc dù đây chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng lượng phát thải hơn 3 tỷ tấn CO2 tương đương của EU, song mục tiêu này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc phát triển công nghệ loại bỏ carbon ở châu Âu.
Cho đến nay, các dự án thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí đang được triển khai ở một số quốc gia, bao gồm Mỹ. Tuy nhiên, chưa có dự án nào được tiến hành ở 27 quốc gia thành viên thuộc khối EU.