Theo The New York Times, cỏ biển đang được các nhà khoa học quan tâm nhờ khả năng lưu trữ lượng carbon ấn tượng, lên đến 83.000 tấn carbon trên mỗi km2 - gấp đôi so các khu rừng nhiệt đới và ôn đới trên đất liền. Bên cạnh lợi ích giảm khí nhà kính, cỏ biển cũng có tác dụng làm sạch nước biển, tiêu giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển, cung cấp nơi ở cho các sinh vật biển và chim di cư.
Với nhiều lợi ích như vậy, nhưng theo Matthew Long, một nhà khoa học về hóa học biển và địa hóa học tại Viện Woods Hole, một phần ba lượng cỏ biển trên toàn thế giới đã biến mất chỉ trong vài thập kỷ qua. Ông Long cho biết: “Chính cỏ biển cũng chịu ảnh hưởng từ các tác nhân gây biến đổi khí hậu. Những yếu tố như nước thải nông nghiệp và sự bùng nổ số lượng tảo gây hại đã làm giảm đi đáng kể lượng cỏ biển có sẵn”.
Giờ đây, thảm cỏ biển đang được các nhà khoa học nỗ lực phục hồi bằng phương pháp gieo hạt. Robert J. Orth, một nhà khoa học tại Viện Khoa học hàng hải Virginia (Mỹ) chia sẻ, các chuyên gia sẽ thu thập hạt giống, sau đó mang đi xử lý và kiểm tra chất lượng, cuối cùng là công đoạn gieo hạt. Trong nỗ lực khôi phục thảm cỏ biển, sự góp sức của cộng đồng cũng là rất cần thiết và được khuyến khích để gieo trồng hàng triệu hạt giống. Seagrass Spotter, một ứng dụng mới đã được phát triển để giúp đỡ các nhà nghiên cứu. Ứng dụng này cho phép người dùng tải lên các bức ảnh cỏ biển trong tự nhiên để giúp việc lập bản đồ đầy đủ phạm vi thảm cỏ biển.
Ở Virginia (Mỹ), Anh, Tây Australia cùng một vài nơi khác, với nỗ lực của các nhà nghiên cứu và cộng đồng địa phương, các thảm cỏ biển đang dần quay trở lại. Elizabeth Sinclair, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Tây Australia cho biết: “Ở những nơi này, nước biển đã trong hơn, các động vật và sinh vật quanh bờ biển cũng đang phát triển mạnh”. Bà Sinclair cũng mong muốn những nỗ lực khôi phục thảm cỏ biển sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới.