Mỹ đặt mục tiêu giảm chi phí loại bỏ CO2 khỏi khí quyển

NDO -

Ngày 5/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố mục tiêu giảm thiểu chi phí loại bỏ khí CO2 khỏi bầu khí quyển như một phần trong kế hoạch khử carbon nền kinh tế Mỹ đến năm 2050.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, sáng kiến Earthshot “âm khí thải carbon” nhằm đưa chi phí loại CO2 ra khỏi khí quyển xuống mức 100 USD/tấn vào cuối thập kỷ này thông qua phương pháp thu carbon trực tiếp từ không khí hoặc giúp rừng và các hệ thống tự nhiên khác thu giữ và lưu trữ CO2.

Đây là chương trình thứ 3 trong series Earthshot của Bộ năng lượng Mỹ được thiết kế để giúp nền kinh tế số một thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu mà Tổng thống Biden đề ra. Trước đó, hai chương trình Earthshot đã được khởi động nhằm giảm chi phí sản xuất hydro xanh và lưu trữ pin năng lượng từ các nguồn tái tạo ở quy mô tiện ích trong thời gian dài.

“Chúng ta đã đầu độc bầu khí quyển, chúng ta phải khắc phục và chữa lành Trái đất. Và cách duy nhất để làm điều đó là loại bỏ vĩnh viễn CO2”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm phát biểu trong khi giới thiệu sáng kiến Earthshot mới tại COP26 ở Glasgow, Scotland.

Tháng 9 vừa qua, nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí lớn nhất thế giới đã chính thức đi vào hoạt động tại Iceland, với công suất lên đến 4.000 tấn CO2 mỗi năm. Nhà máy Orca là dự án hợp tác giữa Climeworks AG, một công ty khởi nghiệp Thụy Sĩ chuyên về tách CO2 từ không khí, và công ty lưu trữ carbon Carbfix của Iceland, hoạt động theo cơ chế tách CO2 trực tiếp từ không khí và chôn khí thải vào trong lòng đất. Tuy nhiên, công nghệ này khá đắt đỏ khi chi phí để hút 1 tấn CO2 lên tới 600 USD.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol hoan nghênh sáng kiến của Mỹ, cho rằng đây là một ví dụ về cách các chính phủ có thể giúp giảm chi phí công nghệ mà thị trường năng lượng không thể thực hiện một mình.

Sáng kiến “âm carbon” sẽ được tài trợ thông qua các khoản chi hàng năm của Bộ Năng lượng Mỹ. Ngoài ra, trong dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng cũng bao gồm khoảng 3,5 tỷ USD ưu tiên cho các dự án trình diễn công nghệ thu CO2 trực tiếp từ không khí. Dự luật này đã được thông qua ở Thượng viện Mỹ, và dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ viện trong tuần này.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu