National Grid công bố mục tiêu khử carbon vào năm 2050

NDO -

Công ty điện và khí đốt National Grid (Anh) mới đây công bố kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi hệ thống sưởi ấm của mình vào năm 2050 thông qua việc mở rộng sử dụng máy bơm nhiệt chạy điện và các nguồn khí đốt tự nhiên tái tạo (RNG).

Khói mù mịt bao phủ thành phố New York, bang New York, Mỹ do cháy rừng, 21/7/2021. (Ảnh: Reuters)
Khói mù mịt bao phủ thành phố New York, bang New York, Mỹ do cháy rừng, 21/7/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, công ty có trụ sở tại London đặt mục tiêu cung cấp 100% khí đốt không có nguồn gốc hóa thạch cho 2 tiểu bang New York và Massachusetts của Mỹ vào giữa thế kỷ này, bằng cách tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên tái tạo được sản xuất từ các trang trại, bãi rác, cơ sở xử lý nước thải và nhập khẩu, thay vì khí đốt tự nhiên truyền thống.

Ngoài ra, công ty cũng đang hướng đến mục tiêu 50% công suất sưởi ấm ở các tòa nhà đến từ các máy bơm nhiệt chạy điện năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, 50% còn lại sẽ đến từ “khí đốt không hóa thạch” và sự kết hợp giữa các hệ thống sưởi chạy bằng khí đốt không hóa thạch và điện.

National Grid đặt mục tiêu đáp ứng 10-20% nhu cầu khí đốt bằng khí đốt tự nhiên tái tạo vào năm 2030, đồng thời chuyển đổi một lượng lớn khách hàng của công ty đang sưởi ấm bằng dầu sang sưởi ấm bằng máy bơm nhiệt chạy điện.

Theo số liệu năng lượng liên bang, mức tiêu thụ khí đốt của tiểu bang New York đã tăng từ 3,39 tỷ foot khối mỗi ngày năm 2020 lên khoảng 3,44 tỷ foot khối mỗi ngày vào năm ngoái, khi các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch khiến nhu cầu khí đốt bị ngừng trệ. Con số này vẫn thấp hơn kỷ lục 3,63 tỷ foot khối tiêu thụ trong năm 2018.

Việc sử dụng khí đốt của khách hàng thương mại và người dân ở New York đã giảm trong 3 năm liên tiếp, nhưng mức tiêu thụ lại tăng lên đối với các khách hàng công nghiệp cũng như các nhà máy phát điện.

Năm 2019, các nhà lập pháp bang New York đã thông qua một dự luật cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, với mục tiêu tổng thể là giảm 85% lượng khí thải vào năm 2050.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu