Siết chặt việc quản lý mã số vùng trồng

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một số vườn sầu riêng ở thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có dấu hiệu mập mờ trong việc cấp mã số vùng trồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn nhà vườn ở Long An xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Thanh Phong)
Hướng dẫn nhà vườn ở Long An xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Thanh Phong)

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình liên kết với doanh nghiệp làm hồ sơ để thiết lập mã số vùng trồng, thu mua và bao tiêu sản phẩm, một số hộ dân phát hiện mã số vùng trồng của nhiều vườn sầu riêng trong thôn đã được cấp cho Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm. Điều đáng nói, các chủ vườn cho rằng họ không hề hay biết việc này. Chính quyền địa phương, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc.

Sự thiếu đồng thuận, minh bạch trong cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho đến lúc này mới chỉ phát hiện tại thôn Tân Bắc với quy mô nhỏ khoảng vài chục ha, tuy nhiên, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng lớn ngay trong quá trình thiết lập, phê duyệt hồ sơ cũng như sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai cấp mã số vùng trồng.

Ngành hàng sầu riêng đã mất bốn năm vất vả chuẩn bị, đàm phán để xuất khẩu chính ngạch.

Ngành hàng sầu riêng đã mất bốn năm vất vả chuẩn bị, đàm phán để xuất khẩu chính ngạch. Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, cách đây khoảng một tháng, sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Đến nay, khoảng 5.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này và chưa phát hiện trường hợp nào gian lận, vi phạm điều kiện xuất khẩu, trong đó có mã số vùng trồng. Cả nước hiện có khoảng 3.000ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng, sản lượng ước tính 68.000 tấn/năm.

Mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nếu nước nhập khẩu phát hiện vi phạm về mã số vùng trồng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành hàng, thậm chí nông sản Việt phải đối diện với nguy cơ mất thị trường. Sự việc ở Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là bài học cảnh tỉnh cho đơn vị quản lý, doanh nghiệp và cả người dân.

Mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nếu nước nhập khẩu phát hiện vi phạm về mã số vùng trồng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành hàng, thậm chí nông sản Việt phải đối diện với nguy cơ mất thị trường.

Vấn đề mạo danh vùng trồng, sử dụng mã vùng trồng không đúng để xuất khẩu là hiện tượng gian lận, vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc. Nếu phát hiện sai phạm ở Krông Pắk, phải có biện pháp xử lý nghiêm minh những cá nhân, đơn vị liên quan để bảo vệ uy tín không chỉ của ngành hàng sầu riêng mà còn của nhiều mặt hàng nông sản khác.

Quy định cấp mã vùng trồng trái cây do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành. Trong hồ sơ đăng ký cấp mã yêu cầu phải có tên người đại diện mã vùng trồng và có giấy cam kết thu mua trái cây tươi của các hộ nông dân. Tuy nhiên, quy định lại không nêu rõ điều kiện cụ thể để được công nhận là người đại diện hợp pháp cũng như không nêu rõ cam kết thu mua là cam kết với chủ thể nào. Những quy định không cụ thể, rõ ràng sẽ dẫn đến việc một số doanh nghiệp và người dân hiểu không đúng, thậm chí vin vào để lách luật.

Do vậy, cơ quan quản lý cần phải xem xét, cụ thể các yêu cầu, quy trình, điều kiện cấp mã số vùng trồng; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương phải tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu về quyền lợi, trách nhiệm của việc thiết lập, sử dụng mã số vùng trồng cũng như giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, tránh để xảy ra sai sót gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín nông sản.