Siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ

Chỉ hơn một tháng sau khi nhận phán quyết vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ, Google lại tiếp tục đối mặt vụ kiện chống độc quyền thứ hai tại Xứ Cờ hoa. Cùng với Mỹ, nhiều nước trên thế giới đang siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn, còn gọi là Big Tech, nhằm tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00

Sau nhiều năm gần như được “thả nổi”, thời gian gần đây, Google liên tục bị các nước siết chặt quản lý. Gã khổng lồ công nghệ này đang đối mặt vụ kiện chống độc quyền thứ hai tại Mỹ. Ðáng chú ý, chỉ cách đây hơn một tháng, Google đã thua trong một vụ kiện khác và nhận phán quyết vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ khi chi hàng chục tỷ USD để duy trì tình trạng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Giới phân tích cho rằng, siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn là bước đi cần thiết và xu hướng tất yếu hiện nay, nhất là khi nền kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong khi vụ kiện đầu tiên tập trung vào mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến, vụ kiện đang diễn ra lại đi sâu vào hệ thống quảng cáo phức tạp của Google. Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số để loại bỏ sự cạnh tranh và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ. Việc Google chiếm thị phần khổng lồ trên thị trường quảng cáo đã khiến nhiều tờ báo buộc phải đóng cửa hoặc bán lại.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, quyền lực quá lớn tập trung trong tay Google đã làm suy yếu sự đa dạng của nguồn thông tin và tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Cùng với Google, các đại gia công nghệ như Apple, Amazon, Meta (công ty sở hữu Facebook và Instagram)… cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các cơ quan quản lý cạnh tranh và đang vướng vào những ồn ào pháp lý.

Cùng với Mỹ, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới cũng siết chặt “vòng kim cô” đối với các ông lớn trong ngành công nghệ. Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager cho biết, từ nay đến cuối năm, khối này sẽ tăng tốc tối đa trong nỗ lực kiểm soát các Big Tech. Tòa án Công lý châu Âu chuẩn bị ra phán quyết về khoản tiền phạt hàng tỷ euro đối với Google vì vi phạm luật chống độc quyền.

Trong khi đó, một tòa án của Anh cũng vừa quyết định cho xét xử vụ kiện tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, với cáo buộc lạm dụng sự thống trị của công ty trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Theo Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Anh, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, Google gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà xuất bản và quảng cáo tại Xứ sở Sương mù bằng cách tính phí quá cao, đồng thời kìm chân các đối thủ cạnh tranh bằng cách thao túng thị trường đấu giá quảng cáo trực tuyến. Các nước Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng vào cuộc bằng việc ban hành nhiều giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Giới phân tích cho rằng, siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn là bước đi cần thiết và xu hướng tất yếu hiện nay, nhất là khi nền kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, sự bành trướng nhanh chóng của các Big Tech khiến thị trường công nghệ không ít lần bị chao đảo bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp luôn là bên chịu phần thiệt.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển thần tốc như hiện nay, ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến đang ngày càng mong manh. Tin tức giả trên không gian mạng có thể kéo theo những hậu quả thật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty công nghệ vẫn chưa đủ nỗ lực trong việc quản lý, khiến mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu phát tán thông tin sai lệch, kích động thù hận, bạo lực…, tác động tiêu cực đời sống kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, siết chặt quản lý Big Tech được xem là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng trên các nền tảng trực tuyến, “dọn rác” trên không gian mạng, thiết lập lại trách nhiệm của các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận dịch vụ đa dạng với mức giá hợp lý hơn.