Sóng gió với các tập đoàn công nghệ

Chỉ trong vài tuần đầu tiên của năm 2023, hàng loạt thông tin không vui đã đến với các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech), khi nhiều nước siết chặt quy định quản lý các doanh nghiệp này. Giới chuyên gia dự báo, các “đại gia công nghệ” đứng trước một năm nhiều khó khăn, cả về mặt pháp lý lẫn khả năng cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Sóng gió với các tập đoàn công nghệ

Trong một động thái nhằm quản lý chặt chẽ hơn các nền tảng công nghệ, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét tham vấn giới công nghệ và viễn thông về khả năng yêu cầu những “gã khổng lồ” như Amazon, Google chi trả chi phí mạng.

Các hãng viễn thông của EU, như Deutsche Telekom, Orange, Telefonica..., tuyên bố rằng sáu nhà cung cấp nội dung lớn nhất đã chiếm hơn 50% lưu lượng truy cập dữ liệu internet và họ nên đóng góp một cách công bằng.

Sáu nhà cung cấp này bao gồm Meta, Amazon, Google, Netflix Inc, Apple Inc và Microsoft Corp. Đáp lại, các tập đoàn công nghệ lớn nêu rõ, ý tưởng này đồng nghĩa với một sắc lệnh thuế đánh vào lưu lượng truy cập internet, có thể đi ngược các quy tắc của châu Âu về đối xử bình đẳng với tất cả người dùng.

Tranh cãi xoay quanh vấn đề chi phí mạng giữa các hãng viễn thông châu Âu và các tập đoàn công nghệ lớn vốn không phải câu chuyện mới.

Tranh cãi xoay quanh vấn đề chi phí mạng giữa các hãng viễn thông châu Âu và các tập đoàn công nghệ lớn vốn không phải câu chuyện mới. Tuy nhiên, chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hãng viễn thông mới lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu nhóm Big Tech trả phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông. Giới chức EU bày tỏ quan ngại khi hệ thống mạng gặp tình trạng quá tải, bị hư hỏng bởi có một lượng lớn người dùng internet làm việc hoặc giải trí trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, các Big Tech lập luận rằng, họ đã đầu tư rất nhiều tiền để nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng internet ở châu Âu, với 183 tỷ euro trong suốt 10 năm, từ 2011 đến 2021. Số tiền này được dùng cho cáp quang biển, mạng phân phối và các trung tâm dữ liệu.

Không chỉ riêng tại EU mà ở nhiều quốc gia khác, các “ông lớn công nghệ” cũng vướng vào rắc rối pháp lý.

Không chỉ riêng tại EU mà ở nhiều quốc gia khác, các “ông lớn công nghệ” cũng vướng vào rắc rối pháp lý. Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp hồ sơ kiện độc quyền quảng cáo trực tuyến đối với Alphabet, công ty mẹ của Google, với cáo buộc Google đã lạm dụng sức mạnh thị trường trong quảng cáo trực tuyến. Theo đó, máy chủ quảng cáo của Google được hơn 90% số các công ty quảng cáo lớn sử dụng. Hiện Google phủ nhận bất kỳ cáo buộc sai phạm nào.

Trong khi đó, tại Anh, Facebook mới đây đã đề nghị Tòa phúc thẩm về cạnh tranh ở Luân Đôn chặn vụ kiện tập thể liên quan các cáo buộc cho rằng, mạng xã hội này đã lợi dụng vị thế để thu lời từ dữ liệu cá nhân của người dùng. Còn Australia đang lên kế hoạch buộc các kênh dịch vụ phát sóng trực tuyến quốc tế, như Netflix, Disney và Amazon, phải chi tiền cho những chương trình mang nội dung địa phương của Australia...

Sau năm 2021 phát triển bùng nổ, các tập đoàn công nghệ lớn thật sự gặp thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhiều tập đoàn phải thu hẹp quy mô nhân sự để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn, phần nhiều là do lạm phát cao, dai dẳng. Thêm vào đó, sự mở rộng của các Big Tech trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng tuyển dụng nhân sự ồ ạt.

Thế nhưng, khi dịch bệnh được kiểm soát, các khách hàng đã dần trở lại với những cửa hàng truyền thống, nối lại các hoạt động du lịch..., thay vì xem phim, mua sắm trực tuyến. Truyền thông Mỹ nhận định, “bong bóng công nghệ” đã vỡ, dẫn đến sự điều chỉnh nhân sự mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại.

Tập đoàn Microsoft mới đây thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối quý III của năm tài khóa 2023. Amazon cũng cho biết sẽ cắt giảm tổng cộng hơn 18.000 việc làm, với lý do nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hãng này đã tuyển dụng quá nhiều trong những năm qua. Ngoài ra, các “ông lớn công nghệ” cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ một số đối thủ mới trong mảng công cụ tìm kiếm, mạng xã hội...

Giới quan sát nhận định, các tập đoàn công nghệ lớn đã qua thời kỳ đỉnh cao song vẫn có thể tận dụng cơ hội từ những xu thế công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử... Chắc chắn họ sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh với cách tiếp cận thực tế hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.