Siết chặt quản lý bếp ăn bán trú trong trường học

Vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm hàng trăm học sinh của Trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một học sinh tử vong, sau bữa ăn trưa 17/11 tại trường khiến các bậc phụ huynh học sinh cả nước hết sức lo lắng về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các trường học.
0:00 / 0:00
0:00

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 4.526 cơ sở giáo dục với 4.538 bếp ăn tập thể và căng-tin trường học. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021, thành phố Hà Nội đã xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó có tám vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%. Chín tháng năm 2022, thành phố tập trung kiểm soát 215 bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện, trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Các quận, huyện cũng xây dựng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm, chủ động kiểm soát các bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn. Hiện tại 63 bếp ăn bán trú của các trường công lập trên địa bàn quận Long Biên triển khai mô hình "Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học". Các trường đã thành lập và duy trì hoạt động của Tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được đưa vào bếp ăn tập thể trường học. Huyện Chương Mỹ lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bếp ăn của 62 trường học trên địa bàn. Qua đó cho thấy, hầu hết các trường đều có đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, có 55 trong số 62 trường (đạt tỷ lệ 89%) có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; số nhân viên có kiến thức về an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 91%; 93% cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe... Với một số trường còn thiếu về hồ sơ pháp lý, hoặc các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh trang thiết bị... đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu khắc phục.

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Hà Nội chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố chất lượng sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hơn 20 mẫu sản phẩm tự công bố an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng phát hiện ba mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Nguyên nhân là do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản của Hà Nội tuy có nhiều, nhưng quy mô nhỏ lẻ, công nghệ chưa hiện đại. Ý thức của người kinh doanh chưa cao, vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng bỏ qua các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, ngành giáo dục và ngành y tế Hà Nội cần tiếp tục siết chặt công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các bếp ăn các cơ sở giáo dục, vì sự an toàn sức khỏe của các em học sinh và các thầy, cô giáo, tránh gây hậu quả đáng tiếc như vụ việc xảy ra ở trường Ischool Nha Trang vừa qua.